Kiến Thức

ĐỐN GIÁO 45: ĐỨC TIN


Khởi thủy vì cuộc sống con người đã sống trong khó khăn gian khổ kéo dài nên việc ao ước mưu cầu hạnh phúc đã trở thành nhu cầu cơ bản của con người. Chúng ta ai cũng cần có một niềm tin nào đó để mà sống và tồn tại, đặc biệt là những lúc cuộc sống khó khăn gian khổ thì niềm tin là động lực để chúng ta vượt qua nghịch cảnh. 

Và đức tin chính là một bản tính độc đáo của loài người, có lẽ điều đó làm nên sự khác biệt của xã hội con người với xã hội của các loài động vật khác. Cho đến nay vẫn không tìm ra bằng chứng nào cho thấy xã hội các loài động vật khác chúng ta cũng có một đức tin nào đó tương tự. Từ bản chất của đức tin mà tôn giáo hay hệ tư tưởng được hình thành: bởi vì chúng ta cần phải tin vào “một cái gì đó” nên nếu có một cái gì đáp ứng được nhu cầu ấy là chúng ta tin đó vào vô điều kiện. Phải nói đức tin có một sức mạnh dù vô hình nhưng vô cùng mạnh mẽ, nó dẫn dắt con người làm được gần như mọi thứ suốt hàng ngàn năm nay. Vì thế chúng ta cần phải hiểu đúng bản chất của đức tin, vì nó có thể có lợi nhưng gây tai họa cũng rất lớn. 

Đức tin tác động vào tinh thần chúng ta, dẫn dắt ta hành động theo và gây ra kết quả. Tác động có lợi của đức tin to lớn vì nó giúp con người có phương hướng trong cuộc sống bất định, nó là nguồn an ủi lớn lao khi ngưởi ta gặp đau khổ, cứu vớt khi người ta sắp tuyệt vọng và góp phần xây dựng nên các vấn đề văn hóa đạo đức xã hội.

Tác động có hại của đức tin cũng lớn không kém khi nó bị người ta lợi dụng lôi kéo vào các cuộc chiến tranh tôn giáo, phá hoại quốc gia, an ninh xã hội và truyền bá mê tín di đoan. Người ta cũng thường lợi dụng tôn giáo để kiếm tiền, dụ dỗ, mua chuộc và hăm dọa người khác gây mất an ninh xã hội.

Lợi và hại của đức tin đều có nên chúng ta cần nhận diện rõ ràng từng vấn đề. Đốn giáo cho rằng con người muốn thực sự có hạnh phúc cần phải kết hợp giữa đức tin phù hợp và hành động đúng đắn. Chúng ta không thể chỉ trông chờ vào bề trênđể mong giải quyết được các vấn đề của mình hay của nhân loại kiểu như không cần làm gì cả mà chỉ nhờ lời cầu nguyện. Không một kinh sách tôn giáo chính thống nào nói như thế, tất cả đều bảo rằng chúng ta phải làm việc và bề trên sẽ giúp đỡ, cứu độ chúng ta trong công việc, còn việc giúp nhiều hay ít tùy vào việc chăm chỉ lao động và phúc đức của từng người. Như vậy cốt lõi vẫn là chúng ta phải lao động để tự nuôi sống mình, bất kể ta có đức tin hay không. Chúng ta cần làm việc để có tiền, có tiền mới mua được thực phẩm và nhà cửa, đi chữa bệnh và đi du lịch, rồi đóng thuế, làm từ thiện… Còn rất nhiều vấn đề khác liên quan đến đức tin nữa, mỗi người chúng ta cần nhận thức một cách đúng đắn, cái gì đúng và có lợi phải giữ gìn, làm theo, cái gì cảm thấy vô lý, trái với đạo đức xã hội, trái với lương tâm chính mình thì kiên quyết không nghe, không làm… cho dù những lời nói đó xuất phát từ bất kỳ ai, kể cả là đạo sư tối cao, đó chính là suy nghĩ và hành động minh triết nhất.  

Hãy giữ gìn đức tin của bạn và hành động theo tinh thần của chính mình. Xem thêm Tâm  pháp diễn nghĩa tại anhatamvien.com.  

 

icon gio hang 0