Kiến Thức

HÀNH TRÌNH GIEO HẠT (11): LUẬN NGU

Đã nói có ngu thì phải có khôn. Khôn là gì thì ai cũng biết hết nên ở đây ta chỉ nói về ngu. Có nhiều loại ngu.

-Kẻ ngu si không biết gì cả nên không làm gì được cả, nhưng đôi khi lại được cho là kẻ khôn: chính vì không làm gì cả nên chẳng phạm sai lầm nào cả và có thể thường được sống yên ổn trong sự thương hại của kẻ khác, được đùm bọc che chở nên lại khôn.

-Kẻ ngu khôn thì vì biết tất cả nên làm tất cả, tạo ra nhân quả cho mình nhưng cũng có khi lại sa cơ nên lại bị gọi là kẻ ngu: vì có làm thì phải có sai và đã sai phải trả giá thôi.

-Kẻ ngu hiền mới là ghê ghớm: biết tất cả, nhưng hoặc là chẳng làm gì cả vì không quan tâm về nhân quả do họ lấy tịch diệt làm vui, tức không muốn gây ra nghiệp tốt xấu, hoặc khi thật sự cần thiết họ lại có khả năng làm tất cả mọi thứ nhưng lại cũng không cầu mong bất cứ thứ gì cho mình, kẻ đó người đời thường gọi họ là Thánh nhân. Tuýp người này gọi là được giải thoát khỏi sinh tử. Ấy vậy mà có nhiều người lại bảo những người này là… đồ ngu vì không mưu cầu lợi ích, chỉ cho mà không cần nhận…   

Người đời chúng ta bình thường ở trong hai trạng thái đầu, tùy năng lực mà có ngu ít ngu nhiều hay khôn ít khôn nhiều, hoặc là ngu lĩnh vực này nhưng lại khôn lĩnh vực khác… đó gọi là năng lực cá nhân. Năng lực này một mặt từ bẩm sinh mà ra, mặt khác do tự rèn luyện mà thành, vì thế chúng ta hãy cố gắng sống như những gì mình muốn và phấn đấu để trở thành người cuối cùng nếu không muốn sống tiếp trong cõi sinh tử.

Khi chúng ta còn phân lập mọi thứ thành tốt và xấu, đúng và sai, được và mất, bạn và thù... là chúng ta đang ở trong đạo của đời; còn một khi chúng ta hòa đồng bất nhị thì chúng ta đang ở trong đạo của đạo, tức là đạo tuyệt đỉnh nên mới gọi là “ Đạo khả đạo phi thường đạo” (Lão tử).

Trong tư duy và cách giảng dạy, một khi ta còn dùng các pháp nhị phân, như có – không, bát chánh đạo, thập nhị nhân duyên, tứ đế, nhân quả… để giảng pháp thì có nghĩa là vẫn còn trong đạo của đời vì vẫn còn nghiệp, duyên chi phối. Điều này nghĩa là khi chúng ta làm bất cứ việc gì, kể cả việc từ thiện mà có một mục đích nào đó thì tức là tâm của chúng ta đang hướng tới sự tầm cầu, trao đổi. Dù là tầm cầu danh vọng, vật chất hay niết bàn thì vẫn bị mắc kẹt giữa ham muốn và dục vọng. Đừng quan tâm tới diệt trừ tam độc tham sân si nếu tâm bạn sẵn không tham sân si, đó mới chính là tư duy cứu cánh: khi không ham giàu sẽ rất giàu, khi không ham giải thoát sẽ giải thoát, không mong thành Phật sẽ thành Phật. Cắt bỏ nghiệp, tức thoát khỏi sinh tử mới là cái phấn đấu của cao nhất của mỗi người học Phật chúng ta, vì khi đó chúng ta mới có thể gia nhập vào hàng Phật được. 

Vậy hóa ra là ngu hay khôn cũng chỉ là cách nhìn nhận khác nhau theo quan điểm riêng của từng người, bởi vậy mới nói rằng người khôn chằng chấp ngu khôn, vì một khi còn chấp thì chính là mình ngu. Và đó có phải là lối giải thích rất … ngu không các bạn?

Giác tử 

icon gio hang 0