Kiến Thức

HÀNH TRÌNH GIEO HẠT (16): PHƯỚC ĐỨC

Thấy một người đẹp đẽ, giàu có chúng ta bảo rằng người này có phước. Gặp người ăn xin, bệnh tật chúng ta bảo người này vô phước. Thế là chúng ta tìm cách lý giải cho những hiện tượng ấy. Có tôn giáo thì bào sự khác nhau là do sự thưởng – phạt của Thượng đế, có tôn giáo bảo do nghiệp báo của họ. Vậy nên hiểu như thế nào?

Quy về phước đức của mỗi người, là các lợi ích của tinh thần hay vật chất mà chúng ta gặt hái được sau khi chúng ta đã khởi tạo công đức từ trước đó. Nếu ta tạo công đức tốt ta sẽ gặt hái được phước báu. Nếu ta tạo công đức xấu ta sẽ gặt phước tai họa. Cái công đức tốt hay xấu có thể do ta tự tạo hay do cha mẹ ta từ nhiều đời trước hay xã hội gây ra, nhưng kết cục là cái phước gì mà ta gặt được sẽ là hậu quả.

Phước đức kém là người không có trạng thái thoải mái về tinh thần. Phước đức nhiều là người thanh tịnh trong tâm. Bạn có thể có nhiều tiền nhưng đồng tiền kiếm được mà không chân chính như trộm cắp, tham nhũng hối lộ, hại người, cờ bạc… thì bạn là người không có phước, vì tinh thần bạn luôn bị dao động. Bạn vẫn có thể giàu có như vậy bằng cách làm ăn chịu khó chân chính nên rất thoải mái tinh thần mới thật sự gọi là phước đức lớn. Còn nếu không dư dả mà tâm mình vẫn thanh tịnh gọi là phước đức nhỏ. Nhưng dù nhỏ vẫn còn hơn là không có phước. Vì sao? 

Bởi vì phước đức là trạng thái của tâm tốt hay xấu. Tâm thì dễ lây nhiễm. Nếu tâm ta tốt thì cuộc đời ta mới hanh thông an bình và các con cháu ta lây tâm lành. Khi tâm chúng lành thì chúng sẽ làm việc thiện. Vì làm việc thiện nên cuộc đời chúng lại có phước. Cứ tiếp diễn hết kiếp này sang kiếp khác nên phước đức sẽ biến thành công đức. Còn ngược lại, dù bạn có nhiều tiền mà không có phước đức thì chính số tiền ấy sẽ hại con bạn, chúng sẽ làm gia đình bạn nghèo đi sau này vì bạn vay của người ta thì trước sau con bạn phải trả họ thôi, con bạn nếu mà không có phước thì chúng đâu có được hưởng những thứ đó, đó là cân bằng và công bằng mà.

Đó là nói về mặt cá nhân từng người, còn với một quốc gia thì sẽ lớn lao hơn nhiều. Nói chung là nếu tổ tiên chúng ta mà tạo công đức lớn chính là phước đức tốt cho con cháu, cho dân tộc sau này. Nếu trong quá khứ chúng ta xây dựng được nền tảng văn hóa, kinh tế, khoa học, giáo dục hùng mạnh thì hiện tại và tương lai cả quốc gia cứ vậy phát triển thêm. Bạn cứ thử so sánh các quốc gia trên thế giới hiện nay xem, tại sao nước này hùng cường hơn nước khác, tại sao có nước mạnh, nước yếu? Chắc chắn không phải do Thượng đế tạo nên mà toàn do bàn tay con người tạo dựng. Tiến bộ cũng do chúng ta mà phá hoại cũng do chúng ta, còn Thượng đế chỉ tạo ra các hiện tượng tự nhiên thế thôi.

Như thế muốn có phước hay vô phước là tùy tâm và hành động của bạn ở hiện tại, chẳng phải tại quá khứ hay trong tương lai. Nếu bạn sống với hành động và tâm đạo tốt đẹp thì bạn sẽ hạnh phúc trong tâm tức là có phước. Nếu bạn sống khúc mắc thì cuộc đời sẽ chìm nổi như sóng nước là vô phước. Và nếu lỡ bạn được sinh ra trong một gia đình vô phước, thì chỉ cần tự thay đổi mình là bạn sẽ có phước như thường. Do đó Lục tổ Huệ năng mới nói “ khởi một niệm ác diệt vạn kiếp nhân lành, khởi một niệm thiện hằng hà sa ác hết” là vậy!.

Giác tử.

icon gio hang 0