Kiến Thức

HÀNH TRÌNH GIEO HẠT (18): HỌA VÀ PHÚC

Có một ông quan rất to bị bắt làm cả dư luận xã hội rúng động bởi vì đã lâu lắm rồi mới có một vị quan to như vậy vướng vào vòng lao lý. Người dân hoan hỷ vì công lý đang được thực thi nhưng riêng tôi lại có một nỗi buồn và mơ ước phải chăng đừng bao giờ có việc như vậy thì dân được nhờ biết mấy và ông ta đã không phải gặp kết cục như vậy vào cuối đời người.

Vài năm trước đây thôi, ông ấy cứ thăng tiến vù vù, người ta bảo phúc đức của ông ấy quá lớn. Vậy bây giờ thì sao đây khi lý do bị bắt cũng chính là những lỗi của ông ta xảy ra vào chính thời điểm đang thăng tiến phà phà, nên chẳng ai ngờ được chữ…ngờ.

Tôi đã từng nói rằng, không phải cứ chúng ta giàu sang và danh vọng là chúng ta có phước (tức là phúc) và đây chính là một minh chứng nhãn tiền. 

Chúng ta có nghiệp báo. Vào lúc nghiệp thịnh thì ta làm cái gì cũng thuận lợi, thậm chí làm việc sai bậy cũng qua được nên chúng ta hay chủ quan và tranh thủ tận dụng cơ hội. Nhưng vạn sự đổi dời là quy luật cuộc sống nên khi nghiệp chúng ta suy thì chúng ta lại mất tất cả những gì bất chính mà trước đây ta làm theo luật cân bằng. Nếu lúc thịnh trước đây mà ta ăn ở có đạo đức, hay giúp người khác thì chắc chắn lúc gặp vận suy sẽ có quý nhân xuất hiện giúp đỡ thì sẽ đâu có khổ như vầy. Nhưng đây mới chỉ là nghiệp đối với cá nhân.

Trên bình diện xã hội ta có cộng nghiệp. Tất cả moị công đức tốt của mọi người cộng lại cho ra phước đức tốt, tất cả công đức xấu của mọi người cộng lại cho ra phước đức xấu. Tổng hợp bù trừ hai loại trên nếu bên nào mạnh thì thụ hưởng theo bên ấy. Bởi vậy cộng nghiệp của một gia đình bao gồm nhiều người trong gia đình ấy, có thể của các thành viên trong cùng thời hiện tại hay nhiều đời cha mẹ quá khứ. Lớn hơn nữa là cộng nghiệp của quốc gia, những tập thể hay cá nhân này có thể làm ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người khác trong quốc gia đó. Ví dụ một tính toán sai lầm của vị nguyên thủ quốc gia có thể gây ra chiến tranh điêu tàn làm nhiều người chết và kinh tế suy sụp, nhưng ngược lại nếu người lãnh đạo ấy mà tài giỏi, công minh sáng suốt thì có thể làm cho cả đất nước ấy trở nên hùng cường, người dân có cơm no áo mặc, ngoại xâm không dám xâm lấn… và đã có rất nhiều bài học lịch sử như thế. Hay ví dụ khác là thiên tai dịch bệnh: nhóm người này phá rừng lấy gỗ và chiếm đất làm lợi ích giàu có cho riêng mình  nhưng dưới xuôi nhóm người khác phải chịu cảnh khổ sở lũ lụt hay khô hạn, thất bát mùa màng, cá tôm trôi sông, đói kém bệnh tật. Đứng trên bình diện cả thế giới thì chúng ta cũng đang chứng kiến đó, hiệu ứng nhà kính làm quả đất nóng lên do các nước giàu gây ra nhưng các nước nghèo phải gánh chịu, dịch bệnh Covid -19 đang hoành hành cả thế giới cũng bắt đầu từ việc tàn phá xâm hại thiên nhiên… của con người chúng ta.

Ngẫm lại vẫn là nhân quả cân bằng. Không ai có thể biết chính xác điều gì sẽ đến với mình trong tương lai nhưng ta sẽ biết chắc chắn rằng những gì ta làm hôm nay như thế nào thì sau này sẽ được báo đáp như thế ấy, và nó còn kéo dài qua cả nhiều thế hệ con cháu ta cùng rất nhiều người xung quanh mình nữa đấy. Vì vậy ta có thể dự báo và kiểm soát phúc hay họa của chính mình bằng suy nghĩ và hành động phải không các bạn?.

Giác tử.   

 

icon gio hang 0