Kiến Thức

HÀNH TRÌNH GIEO HẠT (29): LUẬN VỀ CÓ – KHÔNG

 

Trong đạo Phật có một bài giảng gọi là Tứ diệu đế. Bài giảng cơ bản này cho chúng ta biết về nguyên nhân nỗi khổ cuộc đời. đó là:

-Khổ đế
-Tập đế
-Diệt đế
-Đạo đế

Và để giải quyết vấn đề khổ đau của mình thì liều thuốc uống chính là hiểu về bát nhã tâm kinh. Kinh bát nhã ngắn với ý chính chỉ nói về Có và Không. Tất cả việc thế tục, vạn vật… đều quy là có và không. Ta hiểu và áp dụng lý thuyết này như thế nào đây?.

Theo cách hiểu thông thường của đại chúng thì kinh cho chúng ta biết là mọi thứ đều là giả duyên hợp, lúc hiện bày là có, lúc hết duyên là không. Bởi vậy mỗi lúc chúng ta gặp đau khổ về việc gì đó thì chúng ta phải tưởng tượng rằng: “cái này cũng chỉ là không có thật thôi mà” hay “mọi thứ đều là vô ngã, vô thường thôi mà” nên mình buồn làm gì, Phật dạy thế rồi. Đây là phép tự kỷ ám thị, thật ra nó cũng ích lợi nên vẫn được rất nhiều người áp dụng.

Theo cách hiểu của các bậc cao nhân còn gọi là thiện trí thức thì vạn sự đúng là vẫn giả hợp, tức không tồn tại vĩnh viễn. Nhưng vì hiểu biết tự tâm (không phải tự kỷ) nên họ không quan tâm tới sự hợp - sự tan, điều này nghĩa là khi gặp thời Có, ví dụ được thăng chức, hay giàu có, thành đạt… họ cũng bình thường, chẳng vui, chẳng buồn, và nếu khi ở thời Không như mất chức, sống nghèo, mất tiền, ốm bệnh… họ cũng thấy bình thường, tức chẳng vui, chẳng buồn. Họ vẫn có khả năng nhìn nhận và cảm giác mọi thứ trong vũ trụ như chúng ta nhưng họ lại kiểm soát tốt cảm xúc của mình.

Về cơ bản cả hai cách ứng dụng trên đều có lợi ích, nhưng cách ứng dụng thứ nhất vẫn còn “rất đời” nghĩa là chỉ khi ta gặp vấn đề đau khổ mới cuống lên tìm thuốc giải, và như thế cuộc đời vẫn chịu sống trong cảnh chìm nổi loanh quanh gọi là sinh tử luân hồi, cứ vui chơi đến khi bệnh thì uống thuốc, hết bệnh lại vui chơi tiếp, rồi bệnh lại tìm thuốc… Do uống thuốc quá nhiều hay uống quá liều nên cơ thể có thể bị suy kiệt, thần kinh có thể bị ảnh hưởng xấu. Những người này thường chỉ nhìn cuộc đời theo ý mình.

Còn với cách ứng dụng thứ hai của người trí thì phòng thủ lo xa, không để mọi thứ vui hay buồn cuốn hút nên chẳng bao giờ buồn mà cũng chẳng khi nào vui quá mức, tức họ sống điều độ, vì không có bệnh nên cũng không cần tìm thuốc giải. Bạn thấy tướng mạo của họ lúc nào cũng trầm tĩnh, nói năng suy nghĩ rõ ràng cho dù hoàn cảnh gia thế là người giàu hay nghèo về của cải. Cái nghèo giàu của thế gian thường được quy về vật chất và danh vọng, cái giàu nghèo của bậc trí lại quy về trí tuệ nên người ta mới được luôn trầm tĩnh và sáng suốt như vậy. Những người này gọi là sống giải thoát khỏi sinh tử luân hồi. Những người trí tuệ cao luôn nhìn cuộc đời như chúng nó đang là. 

Và cho dù còn bao nhiêu cách giải thích khác thì cũng chỉ là tùy phương tiện mà ứng dụng vào mỗi câu chuyện cho phù hợp, chứ nội hàm cơ bản cũng chỉ là thế mà thôi.

icon gio hang 0