Kiến Thức

HÀNH TRÌNH GIEO HẠT (33): NHÌN NHƯ NÓ LÀ

 

Vấn đề này nghe có vẻ triết lý. Tôi thuộc loại người hành động nên tôi luôn có khuynh hướng biến triết lý thành hành động, nếu bạn theo dõi nhiều bài viết của tôi sẽ cảm nhận thấy rõ ràng điều này. Triết lý cần thiết để chúng ta tư duy nhưng nếu chỉ để tư duy mà không hành động thì cũng là nói chuyện suông thôi phải không.

Khi bàn về cuộc sống và tôn giáo, chúng ta thường nói về vô thường và thường, vô ngã và bản ngã, về Có và Không, rồi đủ mọi thứ khác như tánh, tướng, duyên nghiệp, nhân quả, thiên đàng, địa ngục, linh hồn… có lẽ nói cả ngày không hết chuyện. Hàng ngàn quyển sách trình bày những vấn đề mà lẽ ra có thể tóm gọn hơn rất nhiều về nội dung mà câu chuyện muốn truyền tải có thể làm cho người đọc bị phân tán và nếu không tin thì các bạn cứ tự tìm hiểu. Ở một thái cực ngược lại thì các thiền giả Thiền tông lại cô đọng quá sức nội dung thông qua cái gọi là công án. Một ví dụ công án kiểu thế này: thiền sinh hỏi: “thưa thầy, con muốn học đạo”/ thiền sư đáp: “có đói không”/ trò: “dạ có”/ thầy: “đi ăn cơm đi”/ trò: “nhưng con muốn học đạo cơ”/ thầy lấy cây đập trò một cái làm trò đau quá hét lên: “đau”.  Thế là dạy xong một câu chuyện. Thật khó hiểu với kẻ ngoại đạo phải không. 

Thiền tông hiện đại thấy rõ điều này nên muốn thay đổi cách tiếp cận tư tưởng giáo lý: nói trực chỉ cái ý chính mà kinh sách muốn trình bày, không nói vòng vo cũng không quá ngắn gọn để gây sự mập mờ khó hiểu dễ tạo sự tranh cãi. Sách Tâm pháp của Giác tử cũng đang cố gắng thực hiện mục tiêu tối giản đó: đặt ra các vấn đề cần thảo luận và đồng thời đưa ra cách giải quyết hay giải thích vấn đề ấy một cách hợp lý nhất vừa theo tinh thần tôn giáo lại vừa phù hợp với khoa học hiện đại. Có lẽ vì thế mà chỉ trong hơn 1000 trang sách đã nói tới được hầu như tất cả mọi vấn đề trọng yếu của cuộc sống, từ tinh thần, tôn giáo, khoa học, chính trị, văn hóa, kinh tế… và chắc chấn rằng đây là điều mà chưa một tôn giáo khác nào làm được

Một tôn giáo hành động đặt nặng vấn đề hành động dù vẫn tôn trọng giáo lý. Nếu chỉ co Lý mà xem nhẹ Sự thì đó là tôn giáo lý thuyết. Tôn giáo lý thuyết dành cho người tu hành chuyên nghiệp còn tôn giáo hành động dành cho đại chúng. Lý thuyết mà phức tạp quá đại chúng sẽ không hiểu gì cả vì họ không có thì giờ để mà tìm hiểu, do muốn tìm hiểu đến nơi đến chốn kinh sách ta sẽ phải học ngôn ngữ tôn giáo gốc và chiêm nghiệm nhiều năm ròng thì chỉ có những ngươi tu chuyên nghiệp hay các học giả chuyên nghiên cứu tôn giáo mới có thời gian và năng lực để làm việc này mà thôi.

Tôn giáo hành động cần tinh giản tối đa lý thuyết. Chúng ta chỉ cần nói đến cốt yếu nội dung của vấn đề nào mà tôn giáo đang muốn đề cập tới, với vài ví dụ đơn giản để đại chúng hiểu là được. Liệu chúng ta có cần nói về Tứ đế hay Nhân quả hay Thiền định… với nhiều cuốn sách mà mỗi cuốn chứa vài trăm trang không nhỉ? Nói thật là ngay cả tôi là kẻ đọc nhiều sách mà khi đọc xong sách là toát hết mồ hôi, có cái chẳng hiểu tác giả muốn nói gì nữa chứ không dám bảo tác giả hiểu sai cả vấn đề. Hình như nhiều tác giả dù chỉ hiểu biết đạo pháp một cách máy móc nhưng vì muốn viết sách để thể hiện mình nên vừa copy ý tưởng có sẵn, lại vừa chế ra nhiều nội dung tưởng tượng thêm cho có cái riêng, đôi khi câu chuyện chế ấy chẳng liên quan đến chủ đề bàn luận, chỉ là cố viết cho dài để cho đủ số trang cho một cuốn sách thì phải?.  

Thiền tông luôn khuyên mọi người hãy nhìn vào mọi thứ xung quanh mình như chính nó đang thể hiện, không thêm không bớt, không chủ quan theo ý mình. Điều này nghĩa là khi vạn sự đang ở thời Không, thời Vô ngã, thời Vô thường thì ta thấy đích thực là chúng trong trạng thái ấy; còn khi vạn sự ấy lại đang ở thời Có, thời Bản ngã, thời Thường thì ta cũng thấy rõ là đang trong trạng thái ấy. Tuyệt đối không bảo rằng mọi thứ luôn luôn là không thật, bởi vì đó chính là sự dối gạt chính mình, là tự kỷ ám thị thôi: bạn đang sống, đang ăn, đang đọc sách của tôi rõ ràng mà lại nghĩ mình đang không tồn tại là lý làm sao?. Đó là lối suy nghĩ máy móc áp đặt nên chúng ta đã bị sai ngay từ đầu.  

Sự nhận thức “rất đời” như thế mới giúp chúng ta vào đời được. Kể từ thời điểm chúng ta sinh ra trên cõi đời này là chúng ta bị chi phối bởi mọi thứ Ngã: tự ngã, nhân ngã và thiên ngã. Mọi cái đều tương tác qua lại với nhau để tạo ra cuộc sống thực của mỗi người. Sự nhận thức đúng đắn như vậy sẽ giúp chúng ta sống sao cho phù hợp nhất gọi là sống cân bằng. Vì biết mình thực sự là đang sống thì lúc này chúng ta sẽ phải biết cách áp dụng luật nhân quả để tạo nên nghiệp báo cho chính mình, chúng ta giữ giới và thực hành bát chánh đạo để đi vào giải thoát. Còn nếu chúng ta luôn tin rằng chúng ta không tồn tại thực sự trên đời, tức khổ đau phiền não cũng chỉ là sự tưởng tượng chứ không hề có thật thì theo tôi chúng ta cũng chẳng cần thực hiện những cái trên làm gì.

Kinh bát nhã và các kinh khác đều nói về vạn sự là vô thường, là vô ngã, là biến hóa giữa Có và Không thì cũng không có gì sai bởi đây là lý thuyết căn gốc về khởi nguồn của vạn sự, là tôn giáo lý thuyết và cái này giúp chúng ta hiểu biết về tinh thần chứ không áp dụng trong đời thực nhiều, trừ khi bạn thấu hiểu nghĩa lý thì ứng dụng được trong lĩnh vực tinh thần của chính bạn mà thôi, đó là đoạn phiền não và trừ tham sân si và nhập vào cảnh giới Không tánh.   

Câu chuyện này muốn nói nên ý chỉ của Thiền tông hiện đại về vấn đề nhận thức của con người chính là hãy hiểu biết và vận dụng đúng đắn lý thuyết vào thực hành trong từng trường hợp khác nhau một cách rõ ràng, luôn nhìn sự việc theo đúng bản chất của nó, muốn thế thì tâm người phải luôn giữ cho thanh tịnh và bình đẳng. Bạn có thể dùng thiền định để đạt điều này. Xin hãy nhìn mọi thứ như CHÍNH NÓ LÀ! 

icon gio hang 0