Kiến Thức

HÀNH TRÌNH GIEO HẠT (34): LỬA GIÁC NGỘ

 

Phàm là con người đã là một phúc lớn và ai là người giác ngộ thì phúc lại càng lớn hơn nữa. Giác ngộ là gì? Là khả năng minh triết thấy mọi thứ như thật nó là, là năng lực tự biết gọi là trí vô sư, là phật nhãn, là huyền khải để nhìn thấy những chân lý trong vũ trụ. Khả năng này có trong mọi con người, thậm chí là trong mọi động vật: bạn thấy động vật sơ sinh đói tự biết ăn, lớn tự biết xây tổ và tình dục, con người tự hiểu được ngôn ngữ… và đó chỉ là những ví dụ sơ khởi thô thiển để chứng minh cho tánh biết mà thôi. Cái biết thực tại của mỗi người lại khác nhau vì thế mới chia ra là năng lực biết cao hay thấp. Người nào biết nhiều, mà phải biết sự đúng đắn ta gọi là người giác ngộ.

Ai là người giác ngộ? Hay rộng hơn nữa thì tư tưởng nào, tôn giáo nào mới được cho là giác ngộ? Nếu ví tư tưởng như ngọn lửa tri thức thì không thể phân biệt vì mọi ngọn lửa đều chứa đựng nhiều ánh lửa có màu sắc khác nhau tượng trưng cho sự chi tiết về tánh biết khác nhau chứa bên trong nó. Vì vậy dưới tinh thần giác ngộ bình đẳng, chúng ta chỉ nên quy ước với nhau là những ngọn lửa nào mang màu sắc tử tế mà có trong mọi tôn giáo như lửa: yêu thương, giới luật, sống vô hại… thì đó là LỬA GIÁC NGỘ

Mỗi tôn giáo đều có con đường đi riêng, nhưng mọi con đường đều về một đích. Mỗi tôn giáo đi bằng các phương tiện khác nhau, nhưng mọi phương tiện đều cần năng lượng để di chuyển. Nhiên liệu chính là tư tưởng trong tâm thức và nhiên liệu nào tốt nhất sẽ giúp cho phương tiện đi nhanh nhất để về đich sớm nhất. Chúng ta không thể nói Phật đạo, Ki tô, Khổng giáo, Tiên giáo, Balamon hay Platon, Max… cái nào là phương tiện tốt nhất, bởi vì phương tiện tốt hay không lại do người đi tự chọn cái nào thích hợp nhất với mình.

Cuối cùng thì cái chính lại quay trở về con người, con người được Thượng đế sinh ra nhưng việc lựa chọn cho mình một cuộc sống thế nào thì chúng ta lại được tự do lựa chọn. Tính tự do là năng lực giác ngộ cao nhất của con người, bởi vì mọi thứ tiếp theo lại dựa vào đây mà lựa chọn. Chúng ta cần lựa chọn đúng đắn, hiểu biết đúng đắn thì cuộc đời mới đi theo hướng tốt đẹp.

Tôn giáo thường hay dùng các phương tiện kỹ xảo tâm lý để truyền tải nội dung giáo lý của mình. Những câu chuyện thật và giả, hư cấu tưởng tượng và chân thực hay nối kết vào nhau, chúng ta phải chú ý về điều này. Người giác ngộ chỉ quan tâm tới nội dung mà câu chuyện tôn giáo mang lại chứ không quan tâm nhiều về chính câu chuyện. Nếu ta chỉ chú ý vào ngôn từ của câu chuyện thì rất dễ dàng lọt vào sự mê tín, u mê vì tin thật vào những câu chuyện tưởng tượng trong đó. Hãy quan tâm tới nội dung giáo lý, đừng quan tâm vào các câu chuyện trong kinh sách.      

Xã hội thường lắm phức tạp vì người ta hay lợi dụng niềm tin của con người để trục lợi. Người ta xây dựng ra những điều tưởng tượng, thổi vào đó những câu chuyện linh thiêng với mục đích trục lợi kiếm tiền. Tượng ảnh và nơi thờ cúng thay vì phải hiểu theo ý nghĩa biểu tượng tinh thần, là nơi tôn nghiêm tín tâm thì người ta lại tuyên truyền về thần thông huyền bí, và từ đó họ xây dựng đền đài, chùa tháp ngày càng nguy nga, tạo ra những bức tượng ngày càng lớn với chi phí đắt đỏ không vì mục đích để phụng sự phật pháp hay chúng sinh mà vì họ hiểu tín đồ nghĩ rằng tượng ảnh càng nhiều tiền thì càng quý, chùa tháp càng nguy nga càng linh thiêng và nếu cúng dường cho những nơi linh thiêng như thế thì lại càng có được nhiều lợi ích cho bản thân. Trong tâm nhiều người, đình - chùa - miếu mà nghèo tức phước hẹp thì cầu nơi ấy mà làm gì, bởi thế họ sẵn sàng đi hàng ngàn km, đi sang cả quốc gia khác có ngôi chùa linh đó để khẩn cầu. Với tín đồ thì đó là sự mê muội, không phải là giác ngộ. Còn với những kẻ lợi dụng đó thì lại quá ma lanh. Nạn buôn Thần bán Thánh, xin cho bùa phép… đã xảy ra trong mọi tôn giáo hàng ngàn năm rồi chứ không phải chỉ có ngày nay. Đức tin và điều lành xuất phát từ tâm người chứ đâu phải từ nơi khác, hiểu được bản chất vấn đề này bạn sẽ là người giác ngộ.  

Hơn nữa bạn cũng nên hiểu nội dung của những gì bạn đang đọc nghe từ giáo lý  kinh sách. Ví dụ bạn đừng quan tâm nhiều về câu chuyện tái sinh luân hồi, về các cõi thiên đàng địa ngục cùng các câu chuyện giữa người này với người kia… mà lưu ý đến cốt truyện muốn cho ta biết cái gì. Ví dụ cốt truyện của tái sinh cho ta hiểu câu chuyện về khổ đau trong Tứ đế, để giải quyết khổ đau ta phải thực hành Bát chánh đạo hay pháp có không của Kinh bát nhã, bước đi tiếp theo đằng sau đó nữa là tiến đến Tứ thiền… với mục tiêu cuối cùng là tìm kiếm sự giải thoát hoàn toàn. Có hàng vạn câu chuyện nhưng cuối cùng nói rút gọn lại chỉ là để đến với mục tiêu giải thoát mà mục tiêu này đồng nghĩa sự Giác ngộ.  Hiểu được bản chất vấn đề này bạn sẽ là người giác ngộ.  

Là tín đồ thời hiện đại chúng ta đừng để mình tiếp tục bị lợi dụng nữa. Hãy tự mở mang trí tuệ bát nhã đang nằm sẵn trong tâm thức bạn. Hãy đốt lên ngọn lửa giác ngộ trong trái tim bạn để hiểu nội dung giáo lý của tôn giáo bạn. Chỉ cần một chút chú ý, bằng trực giác bạn có thể thấy đâu là điều hợp lý, đâu là phi lý. Nếu cần thiết thì phải kiểm chứng, bạn hãy dùng cách xét tới tính tương tác giữa các sự kiện có liên quan, nếu có những mối quan hệ nhân quả đáp ứng được yếu tố cân bằng thì là đúng, còn không đáp ứng tính cân bằng thì xin bạn… hãy thận trọng. Phật chẳng đã từng nói rằng chúng sinh phải tự thắp đuốc lên tìm đường mà đi là gì!.

Là tín đồ hiện đại, bạn có thể nương theo giáo lý tôn giáo của mình để sống, ví dụ những quy tắc đạo đức chẳng hạn, nhưng chúng ta phải sẵn lòng mở rộng tầm mắt của mình để theo dõi xem một số vấn đề của giáo lý có phù hợp với thực tại cuộc sống hay không để mà tự điều chỉnh tư duy mình, bởi vì mỗi thời đại đều có sự thay đổi và Thượng đế trao cho bạn quyền tự do lựa chọn. Đây là điều được ghi trong Kinh thánh.

icon gio hang 0