Kiến Thức

HÀNH TRÌNH GIEO HẠT (35): THOÁT VÒNG KIM CÔ

 

Ở đây là vòng kim cô tư duy, cái vòng tròn bảo thủ ấy đã giam cầm nhận thức con người và giờ đây đã đến lúc phải trở thành một vòng mở để loài người được giải thoát.

Có một câu chuyện trong Phật giáo, khi Ngũ tổ Hoằng Nhẫn muốn tìm người để trao lại chức tổ sư thứ sáu (Lục tổ), Ngài đã tổ chức một cuộc họp tăng đoàn và câu nói đầu tiên đã phàn nàn rằng: “Các vị ai cũng chỉ muốn tu cầu phước điền mà không cầu giải thoát. Hãy làm cho ta một bài kệ về Tâm, nếu đạt ý đạo sẽ được trao cho làm tổ sư”. Có vị sư giỏi nhất đang làm giáo thọ sư (thầy dạy đạo) là Thần Tú làm một bài kệ, đại ý nói là Tâm giống như tấm gương phản chiếu mọi thứ nên người tu là phải thường xuyên lau chùi sạch sẽ. Một thí sinh trẻ tuổi vừa nhập chùa đáp lại rằng Tâm là trống rỗng thì có gì dính vào được mà bẩn hay sạch, tu để tự giữ sạch cho tâm mình mà thôi. Thế là chức vụ cao quý nhất của thiền tông đại thừa đã thuộc về một cậu bé 24 tuổi, không biết chữ, chưa từng được học đạo bài bản nhưng lại hiểu ngộ được một câu nói cơ bản trong kinh Phật: “Bản lai vô nhất vật” do đã thoát ra được khỏi vòng kim cô tư tưởng giáo lý. Người đó là truyền thừa thứ sáu: Lục tổ Huệ Năng.

Ngay sau khi nhận y bát chứng nhận là tổ sư, Ngũ tổ chèo thuyền đưa Lục tổ trở về dân thường để làm lại cư sĩ, khi nghe Ngũ tổ nói để ta độ cho con, Lục tổ liền lấy chèo và nói: “khi mê thì thầy độ, khi ngộ rồi thì con phải tự độ mình”. Xin bạn đọc nhớ rằng đây là trường hợp độc nhất vô nhị, là điều chưa từng có tiền lệ trong lịch sử Phật giáo: trao ấn chứng giác ngộ và một địa vị cấp cao cho một cư sĩ ngoài đời, nhưng Ngũ tổ đã không lầm, Huệ năng đã là người tài ba nhất trong lịch sử Thiền tông Phật giáo vì đã đưa được tông phái Thiền tông đại thừa vào xã hội để chúng ta biết cho đến ngày hôm nay. Cách đây hơn 1400 năm, Huệ năng đã một lần làm cách mạng trong Phật giáo để rồi cuộc cách mạng ấy đến thế kỷ XXI lại bắt đầu phổ rộng nhiều hơn nữa.

Trong lịch sử tôn giáo, quả thật rất ít tôn giáo có giáo lý mở. Tất cả mọi người, từ tín đồ cho đến đạo sư, đều bị bó chặt tư duy trong vòng tròn tư tưởng giáo lý tồn tại hàng ngàn năm. Ai đó muốn bước ra ngoài vòng đó đều có thể bị cho là phản đạo. Đạo Phật thì mở rộng ra hơn, ai thích huyền bí có Mật tông; ai thích cầu xin bên ngoài phù hộ có Tịnh độ vì có rất nhiều Phật đang sẵn sàng nghe các đệ tử cầu xin mình; ai thích tu hành tập thể cũng có sẵn mà thích độc tu như các thiền sư cũng được. Không ai bị gò bó, ép buộc, lôi kéo… miễn sao anh tu đúng tinh thần Phật giáo là được. Huệ năng đã cho ta một phép tu hoàn toàn mới, đó là tu vào chính mình: tôn thờ mình vì Phật chính là Tâm mình; cầu xin mình vì mình phải ban phúc cho mình (tức Pháp); tự học hỏi ở mình vì mình chính là Tăng, có nghĩa mình chính là… thầy mình. Cùng với việc phổ truyền một phép tu bí mật trước đây chỉ riêng truyền từ thầy qua trò ra ngoài đại chúng, ngài đã đưa ra một kiểu tu mới: tự tu, tự độ, tự ngộ hay còn gọi là tự quy y, một điều mà đại chúng chưa từng được nghe ở thời điểm của Ngài, và đó có xứng đáng là kiểu tư duy cách mạng?

Trong cuộc sống thực, không chỉ bó trong phạm vi tôn giáo, chúng ta cần thiết phải có một tư duy mở. Khi có tinh thần cởi mở bạn sẽ biết cách thoát ra khỏi bất cứ ràng buộc nào của tri thức xưa cũ ở trong mọi lĩnh vực. Chỉ có tư duy thoát ra như thế chúng ta mới có thể tìm thấy những sáng kiến mới, con đường mới và khi chúng ta thoát ra khỏi những gì gọi là lạc hậu, bảo thủ thì ta mới đi trên con đường tới giải thoát được. Đây chính là thứ tư duy nền tảng, thứ tư duy làm tiến hóa loài người và sẽ làm tiến hóa bạn.

Ai cũng phải có người thầy dạy ban đầu, nhưng sau khi được trang bị một hành trang tri thức căn bản từ nhà trường, gia đình và xã hội, tức là nhờ cậy vào người khác, đã đến lúc các bạn phải tự tu, tự độ và tự ngộ, tức các bạn phải biến hành trang tri thức ấy thành của chính bạn, khi ấy bạn sẽ hiểu ngộ chứ không chỉ là hiểu biết. Với sự biết tự tâm như thế là đã thành bản năng, thành phản xạ, thành sở trường, thành tinh thần của bạn. Kẻ nào mà làm việc với thái độ thư thái, nhuần nhuyễn, sở trường, có nền tảng bền vững thì được gọi là Thầy và người ấy có năng lực giải quyết các việc khó khăn, có nhiều cơ hội bay cao trong cuộc đời. Chúng ta hãy nghĩ kỹ lại mà xem, những bước đi trong cuộc đời như thế nào chủ yếu vẫn là do ta quyết định, ta làm gì và thoát khỏi bế tắc khó khăn ra sao đều liên quan đến hành động suy nghĩ của mình đúng hay sai, ngay cả khi gặp một việc gì tưởng là may mắn thì cũng có một sự thu xếp nào đó từ các hành động quá khứ của ta rồi. Khi bạn gặp khó khăn thì người khác, dù là ai đi nữa thì chỉ là góp ý kiến giải quyết hay động viên an ủi bạn trong bế tắc mà thôi, còn bạn vẫn phải tự đứng lên trên đôi chân mình, vì thế bạn hãy là thầy của chính mình.  

icon gio hang 0