Kiến Thức

HÀNH TRÌNH GIEO HẠT (53): LUẬN MÊ, NGỘ VÀ NGU

 

Thấy con cả ngày lướt facebook, chát chít và xem các chương trình “nhảm nhí ”, tôi la con và bảo phải đọc sách hay tìm cái hay ho mà xem chứ đừng có lãng phí thời gian mà xem những thứ vô bổ như thế, không ích lợi gì cho trí tuệ cả. Nhưng ai ngờ con nói lại “thì ba chẳng bảo phải sống đơn giản là gì?”. Tôi giật mình, thì ra hóa con mình đang nghĩ từ “sống đơn giản” theo đúng nghĩa đen đích thực nên văn hóa cũng phải thật đơn giản. Trời đất, nếu chúng ta lấy sự giản đơn theo kiểu suy nghĩ hời hợt thế này để tâm trí sẽ dần trở nên lười biếng tư duy suy nghĩ, điều này dần kéo theo mất đi tính sáng tạo và tiến hóa của trí tuệ, lấy cái gì dễ thì theo làm, cái gì khó quá bỏ qua thì làm sao làm việc sau này được đây? Làm sao xã hội tiến lên? Chưa kể điều này sẽ làm tê liệt trí tuệ của các thế hệ sau do cộng hưởng từ siêu thức, và xã hội sẽ đi… giật lùi à? Bởi vậy nên mới có bài luận này để “sửa sai”.

Người ngộ tức là người trí thì họ biết mọi thứ thật sự tự tâm. Vì biết mọi thứ nên mới thấu hiểu được chữ “vô thường” và thế là họ biết biến mọi cái phức tạp thành đơn giản.

Người mê thì ngược lại, tự nghĩ rằng cái gì cũng biết nên mới biến mọi thứ đơn giản phải trở thành phức tạp, vì họ nghĩ làm được như thế thì mình mới là kẻ trí.

Người ngu thì lại sống đơn giản thật sự bởi vì trong não họ chẳng có gì phức tạp hết. Ít học hành, không tri thức, thậm chí không làm gì cả (vì có biết làm gì đâu mà làm).

Ấy thế nên đôi khi có ai đó nói vui “xem ra kẻ trí cũng giông giống người ngu” là vậy.   

Giống như mặt trăng và bóng trăng dưới mặt nước. Kẻ trí hiểu rằng trăng thật sự ở trên trời, kẻ ngu nghĩ rằng trăng nằm trong nước, còn kẻ mê lại phân vân hai đường rồi luận rằng trăng bao gồm cả bóng lẫn hình, thậm chí là cả bầu trời và nước luôn…

Câu chuyện xem ra có vẻ trừu tượng này nếu nghĩ sâu xa sẽ rất có ích. Cùng một loại tri thức mà ai cũng được học, được đọc, được nghe…từ trường lớp, xã hội, sách vở, kinh kệ… giống hệt nhau nhưng kẻ trí thì biết biến cái ý cốt lõi thành tri kiến của riêng mình giống như trăng thật sự phải ở trên trời, kẻ mê thì chỉ học thuộc lòng tri thức của kẻ khác truyền lại mà cứ nghĩ rằng đó là của mình nên phân vân lẫn lộn giữa vật và ảnh, còn kẻ ngu thì học tri thức cũng như nước đổ lá môn mà thôi, không khác não khỉ là mấy. Thế là mới có có câu chuyện tiếp theo về số phận. 

Ứng dụng vào cuộc đời ta thấy có người thành công, có người thất bại, có người làm việc hiệu quả, nhẹ nhàng mà vẫn giàu có, nhưng cũng có người làm việc vất vả cả ngày mà vẫn nghèo đói thậm chí phải sống dựa vào lòng thương hại của kẻ khác… là do chúng ta được định hình từ ba loại người cơ bản trên.    

Hình như tôi nhớ có một doanh nhân nói đại ý thế này: “có công thức về người thành công nhưng không có công thức để trở thành người thành công”. Rất hay, vì người thành công thường có một số đức tính và năng lực nhất định mà hầu như ai cũng giống nhau, kể ra vài thứ (và chưa đủ) như tính ham học hỏi, làm việc chăm chỉ, tìm kiếm sáng tạo và  liều lĩnh trí tuệ… Hầu như ai thành công tự thân đều được trang bị những thứ này trong mình nhưng không phải cứ ai có cái đó đều sẽ thành công, nên nói không có công thức để trở thành thành công. Tại sao như thế? Bởi vì có sự khác nhau cơ bản giữa hiểu và biết. Kẻ trí thành công vì biết biến kiến thức chung thành tri thức của chính mình, nên họ biết vận dụng uyển chuyển năng lực và tri thức trong mọi tình huống sao cho đạt hiệu quả cao nhất gọi là cân bằng trong công việc. Kẻ hiểu tri thức và lại ngộ nhận rằng tri thức của người khác là của mình thì khi ứng dụng tri thức ấy vào công việc thực không thể tốt được, vì áp dụng máy móc trong lúc sự việc luôn thay đổi và tình huống luôn khác nhau, tức không cân bằng nên thành công nhỏ hay thậm chí là bị thất bại.

Bởi vậy lời khuyên của bài viết này là:

-Hãy sống đơn giản để cuộc đời thanh thản, nhưng lưu ý rằng cái đơn giản của kẻ trí khác với cái đơn giản của người ngu. Nên số phận khác nhau.

-Kẻ trí làm mọi việc chăm chỉ với tâm trí đơn giản. Kẻ mê cũng làm mọi việc với tâm trí rối bời. Nên số phận khác nhau.

-Trong cuộc sống thực thì mỗi chúng ta đều phải làm việc do chánh nghiệp và chánh mạng quy định (Bát chánh đạo). Kẻ trí thì làm việc với tâm không mong cầu nên nhẹ nhàng với mọi sự do đó được thoát khỏi tử sinh. Kẻ mê làm việc với lòng tham muốn si mê nên chìm nổi trong luân hồi bởi được và mất. Còn kẻ ngu lại hiểu sinh tử theo đúng nghĩa đen rằng muốn thoát khỏi sinh tử luân hồi thì không làm gì cả và như thế là sống ăn bám xã hội, bị mọi người coi rẻ hay thương hại hay chết đói.

-Muốn thành công trong cuộc sống cần phải trang bị trí tuệ tốt. Muốn thành dạng người nào thì cần trang bị năng lực và tính cách của loại người ấy thì sau này sẽ có thể thành công và như thế cần phải cố gắng chăm chỉ làm việc học tập và tích lũy kinh nghiệm, tài sản và mối quan hệ… một cách chuyên cần và đặc biệt làm sao ngộ hiểu kiến thức  thành tri thức tự tâm mình gọi là Tuệ giác (hay Huệ). Tâm sinh hành động, hành động sinh kết quả, kết quả sinh số mệnh, tùy theo kết quả mà số phận cũng khác nhau vậy!

icon gio hang 0