Kiến Thức

HÀNH TRÌNH GIEO HẠT (54): LUẬN VỀ ĐẠO VÀ ĐỜI

 

Trên đời này có nhiều thứ đạo mà chỉ có một thứ đời. Đạo cao nhất là đạo của tự nhiên mà chúng ta hay đặt tên là Thượng đế, là Không hay… là gì cũng được. Từ đạo chung nhất này mà con người tự khai triển thành nhiều hệ thống tư tưởng khác nhau tạo nên nhiều tôn giáo hay hệ thống chính trị khác nhau mà ai cũng tự cho mình là “chân lý”.

Thường các “chân lý” rất cao siêu chủ yếu dựa vào các hệ thống lý luận gọi là giáo lý cũng rất “cao siêu” nên chẳng mấy ai trong đại chúng bình thường mà hiểu được và như thế là cần thiết xuất hiện một lớp “đạo sư” để chuyên đi giảng giải gọi là giảng pháp. Và từ đây Đạo và Đời bắt đầu thâm nhập với nhau.

Giống như căn nhà và con người. Nếu nói nhà của người tức người là chủ của căn nhà, điều này là đương nhiên vì con người xây dựng ra ngôi nhà. Nếu nói đạo của đời tức là đời là chủ của đạo cũng sẽ là đương nhiên vì đời, tức là xã hội, bao gồm con người,  muôn loài và vũ trụ… là có trước, đạo là lý thuyết, là tôn chỉ, là pháp luật, giới luật… được con người xây dựng sau.

Ấy vậy mà xưa nay chúng ta hay có thói quen ứng dụng lại theo kiểu đời của đạo, tức là buộc đạo làm chủ của đời, nghĩa là sự việc (Sự) gì trong cuộc đời chúng ta cũng phải làm sao cho phù hợp với lý đạo (Lý), bất kể cái lý ấy đúng hay sai và có còn phù hợp với thực tế hay không. Chúng ta luôn tìm kiếm cách để áp đặt tư duy và nhận thức trong kinh sách như thế suốt hàng ngàn năm nay, hàng vạn đạo sư giảng dạy như thế, hàng triệu thậm chí hàng tỷ tín đồ đã tin và làm như thế. Đây gọi là tôn giáo truyền thống.

Và ngày nay, cùng với sự phát triển của khoa học và tri thức mới hiện đại, đã vô số lần chứng minh nhiều chân lý của đức tin tôn giáo (lý đạo) ngày xưa không còn phù hợp, thậm chí không đúng nữa. Lấy ví dụ ngày nay ai cũng biết là trái đất quay quanh mặt trời chứ không phải mặt trời quay quanh trái đất như quan niệm của ngày xưa. Ví dụ nữa ngày nay ai cũng biết rằng hạt nguyên tử (nhỏ nữa là hạ nguyên tử, là năng lượng) là kết cấu của vũ trụ chứ không phải là do Tứ đại (đất, nước, gió, lửa) tạo thành… Nhưng mặt khác có rất nhiều thứ khoa học chưa chứng minh được nhưng  đạo lại biết rồi thì đây cũng là điều cần thiết để xem xét nghiêm túc như vấn đề linh hồn con người.

Thế là có lẽ đã đến lúc chúng ta cần phải thực hiện một bước ngược lại, tức phải quan niệm rằng  đạo là của đời, nghĩa là đạo phải phục vụ cho cuộc đời và muốn như thế thì lý đạo phải phù hợp với lý đời, như thế đạo mới tồn tại được. Hai cái này nương tựa vào nhau, phù hợp với nhau thì mới có được đạo cần đời  - đời cần đạo. Cái này gọi là tôn giáo tiến hóa, tôn giáo khoa học hay tôn giáo hiện sinh. Và thế kỷ XXI là kỷ nguyên mới của kiểu tư duy tôn giáo này: chúng ta không cần phải thay đổi tôn giáo, chúng ta chỉ cần thay đổi về nhận thức của tôn giáo.

Mọi thứ đều có thể thay đổi, cho dù thay đổi thói quen không hề dễ dàng chút nào. Đôi khi trong quá trình thay đổi ấy chúng ta phải cần có một cuộc cách mạng, một sự mất mát… nhưng đó là những thứ chúng ta phải biết chấp nhận nếu muốn tồn tại trong thế giới biến động. Ai đó vẫn đang cố nắm giữ truyền thống lạc hậu, muốn giữ lại quyền lợi của mình hay bất kỳ lý do gì khác thì cần hiểu rằng chúng ta cũng chẳng tồn tại lâu trên cõi đời này được, hiểu theo mọi nghĩa đen hay bóng, vì thế tốt nhất là tự cải tiến tư duy mình để sao cho giữ được ý đạo cốt cho mình, cho con cháu và xã hội mai sau. Đó là cách tư duy cân bằng nhất.

Các bạn trẻ, các bạn là những người có học thức cao, vì thế các bạn cần hiểu rằng, ngoài tri kiến thức chuyên môn còn gọi là nghề nghiệp các bạn học được từ nhà trường, các bạn cần phải có thêm hiểu biết về tri thức hay kinh nghiệm xã hội. Các bạn phải biết cách vận dụng hài hòa giữa những cái gì của Ta và cái gì của Chúng ta, tức cá nhân và xã hội, có như thế thành công hay thuận lợi… mới đến với các bạn. Hãy đem kiến thức mới mẻ của mình cộng với trải nghiệm về đạo lý vào sống với cuộc đời, điều này nghĩa là bạn đã biết áp dụng đạo - đời theo nguyên lý cân bằng. Cân bằng nghĩa là, cái gì có lợi cho mình và cho người khác, phù  hợp với khoa học thì tin và làm, cái gì mà còn cảm thấy u mê, mê tín, không nguồn gốc… thì đừng làm vội – hãy xem kỹ lại.  

Giác tử. 

icon gio hang 0