Kiến Thức

HÀNH TRÌNH GIEO HẠT (57): CÂN BẰNG TRONG NHẬN THỨC

 

Cái khác biệt duy nhất tách biệt loài người với mọi động vật khác chính là khả năng nhận thức. Mọi tư tưởng trong một xã hội, mọi khả năng nắm bắt với thế giới tự nhiên, đối với khoa học về tâm lý đều là những trạng thái tư duy thuộc về năng lực nhận thức. Cái đầu tiên phát sinh, tức là bản chất con người được tạo hóa lập trình từ thời sáng tạo ra loài người, được gọi bằng nhiều từ như là tánh biết, siêu ý thức, phật tánh hay thượng đế tánh, linh hồn.

Với năng lực nhận thức ấy chúng ta đã đem ứng dụng vào cuộc sống của chính mình để gặt hái các kết quả. Chúng ta thường hay đem những kinh nghiệm và suy nghĩ của mình để quyết định các vấn đề của cuộc sống nhưng hãy chú ý là thực sự chúng ta cũng rất dễ bị sự giáo dục từ bên ngoài làm ảnh hưởng đến các quyết định của mình. Đó là nguyên nhân mà các vấn đề kích động bạo loạn, mê cuồng tôn giáo, hành động bầy đàn… xảy ra do sự kích động của một ai đó. Tuy nhiên nếu sự kích động đó theo chiều hướng tích cực thì cũng có lợi đó nhưng thường thì hại lại xảy ra nhiều hơn vì hình như là xã hội hay thích… cái hại (vì điều ấy sẽ có lợi cho họ)

Làm chủ nhận thức chính là làm chủ cuộc đời, vậy câu chuyện ở đây muốn nói là tâm thức là của chúng ta, tại sao chúng ta lại để kẻ khác làm chủ? Tại sao ta không hiểu mọi phiền phức và đau khổ chính là từ đây mà phát sinh! Về lý thuyết thì ta thường luôn tự hào là chính mình vì ta có bản ngã riêng mình, nhưng nếu nhìn kỹ ra thì lại thấy cái là “của mình” ấy lại là do người khác áp đặt vào một cách khôn khéo. Người ta đánh vào tâm lý bằng cách đạo đức giả để tạo ra lòng tin với ta, nói lời hay ho kích thích lòng tham hay tình cảm hay đức tin… để dụ dỗ ta đầu tư, làm việc, vay mượn tiền, đóng góp tiền của… xong việc là họ cao chạy xa bay, đẩy cái rủi vào tay ta để thu cái lợi về mình mà ta chẳng biết, mà ta có biết thì cũng xong rồi, và cứ thế hết lần này lại lần khác.  

Cái rút ra kinh nghiệm ở đây là bạn đừng nói câu “biết rồi khổ lắm nói mãi” bởi vì thực tế là có nói cả ngàn năm như thế thì lần sau vẫn dính lại, bởi đó là tâm lý con người. Chúng ta không thể sống khép kín đến mức cực đoan nhìn đâu cũng thấy lừa dối vì đó chính là kiểu suy nghĩ tiêu cực nhất, nhưng chúng ta nên sống “tỉnh giác” trước mọi sự trong cuộc đời, tức không quá vì ta nhưng cũng không quá vì người.

Sống tỉnh giác đòi hỏi tâm của chúng ta luôn sáng láng, muốn sáng láng thì phải điềm tĩnh, muốn điềm tĩnh phải biết thiền định. Khi bạn thiền định chúng ta sẽ tạo ra được trạng thái thanh tịnh trong tâm trí, trí tuệ chúng ta sẽ được mở mang, hành động chúng ta sẽ chuẩn xác và mạnh mẽ nên chắc chắn kết quả thường tốt đẹp hơn. Bạn hãy điềm tĩnh như con sư tử, nằm im sau tảng đá nhìn con mồi chạy nhởn nhơ, nếu muốn nó chỉ cần phóng ra chớp mắt là xong. Và đó chính là biết sống cân bằng!

icon gio hang 0