Kiến Thức

HÀNH TRÌNH GIEO HẠT (59): CÂN BẰNG TRONG HÀNH ĐỘNG.

 

Cuộc chiến chống dịch bệnh covid 19 toàn cầu đang diễn ra nóng bỏng cho chúng ta thấy ra được nhiều hình ảnh trái ngược: Khi bệnh vừa xuất hiện, có ngài bộ trưởng y tế một nước nam Á phát biểu là Thượng đế sẽ giúp họ và vài tháng sau nước ấy đã trở thành tâm điểm dịch bệnh khu vực. Có ngài nguyên thủ quốc gia một nước lớn phát biểu rằng đây chỉ là cúm vặt thôi, thế là trở thành một trong những ổ dịch lớn nhất thế giới. Còn các quốc gia nào mà áp đặt chặt chẽ các biện pháp y tế cộng đồng ngay từ đầu, không chủ quan coi thường dịch bệnh bị chê là chết nhát thì lại khá bình yên so với các nước khác.

Chỉ vì chủ quan coi thường mà những đất nước hùng cường nhất đã trở thành những nước yếu kém nhất trong việc ngăn ngừa dịch bệnh. Câu chuyện này làm ta liên tưởng một câu chuyện ngụ ngôn là con voi có thể không sợ con sư tử nhưng lại coi con kiến là kẻ thù đáng gờm nhất, bởi vì con kiến cứ chui vào tai voi mà rên rỉ và châm cắn cả ngày làm voi ta phát điên lên mà chết. Câu chuyện này nhắc nhở chúng ta một điều là chính hành động của chúng ta sẽ quyết định mọi kết quả và diễn biến sự việc đến sau đó. 

Trong cuộc sống chúng ta luôn luôn phải làm cái gì đó để duy trì sự sống nên mọi hành động của chúng ta đều gây nên ảnh hưởng lớn với cuộc đời chúng ta. Bởi vậy chúng ta cần hết sứ cẩn thận trong từng hành động của mình, những quyết định kiểu như có nên làm điều này hay không, có nên đầu tư không, nên đi hay ở lại, nên làm việc gì… có khi làm thay đổi cả cuộc đời chúng ta.

Đốn giáo thiền tông là tôn giáo hành động mục đích để đưa tri thức tôn giáo tham gia thẳng cuộc sống bình thường. Để chỉ cho người khác thấy ra bản chất của mọi vấn đề và khuyên hành động hợp lý giúp mang lại ích lợi cho cá nhân họ và cả xã hội, vì thế đốn giáo thuận theo tự nhiên, không khuyên người ta đi tu để giải thoát, ăn chay trường để thành Phật, từ bỏ vật chất để được về với Chúa hay coi lòng ham muốn là tội đồ của khổ đau. Ngược lại, con người chúng ta cần những thứ đó trong những giới hạn hợp lý để duy trì năng lực, sức khỏe và tình trạng bình thường của mình. Ta có thể vẫn làm mọi thứ, có được mọi thứ ta muốn nếu những cái đó không làm hại gì đến người khác thì thường đều là việc tốt: nếu ta thích đi tu cứ đi tu, ăn chay để tu hành theo quy định giáo hội hay là chế độ ăn kiêng để giữ gìn sức khỏe là tùy nhu cầu từng người. Bạn muốn làm triệu phú, nhà khoa học, chính trị gia... cũng đều là tốt, còn muốn trở thành Phật, muốn sống cuộc đời giải thoát thì chọn theo hướng tu hành chuyên nghiệp hay làm cư sĩ đều được, vấn để là thực hành các phương pháp giúp tâm thanh tịnh và sống đạo đức mới là giải thoát chứ bảo người ta là chỉ cần chăm chỉ tụng kinh niệm chú và kiên trì ăn chay để trở thành người giác ngộ là hoàn toàn không đúng. Thiền hành động là phương tiện để chúng ta luôn hành động đúng đắn.  

Khi ta làm việc với cái tâm thanh tịnh gọi là hành động cân bằng và thiền hành động là một trong những phương tiện hữu ích để ta làm việc này. Chúng ta hay nghĩ rằng thiền là tịnh thì làm sao mà thích hợp làm việc là động. Ta cần biết thiền là tịnh trong tâm còn động là việc làm của thân, bởi vậy khi thân mà làm việc với cái tâm tịnh thì hiệu quả rất cao, lý do là tâm tịnh thì sáng suốt, mà sáng suốt thì chọn lựa đúng, chọn đúng thì thì kết quả tốt, thật bình thường thôi đúng không.     

 

Thiền trước khi tư duy hành động giúp bạn nhìn rõ mọi thứ như đúng sự thật, không thiên vị, do vậy đem lại sự bình tĩnh sáng suốt trong tư duy. Khi tâm bạn mà định được thì tuệ sẽ phát sinh, bạn khai mở được những năng lực thiên phú trong siêu thức của mình để hành động, cái đó thường gọi là gặp được may mắn. 

Trong cuộc sống hãy luôn luôn giữ một cái tâm bình lặng. Trước khi quyết định một việc quan trọng hãy giữ tâm bình lặng. Trước khi đi thi hãy giữ tâm bình lặng. Trước khi phát biểu trước đám đông hãy giữ tâm bình lặng. Khi bị kẻ khác tấn công hãy giữ tâm bình lặng... Luôn luôn bình lặng thì cuộc đời bạn sẽ... bình yên!   

icon gio hang 0