Kiến Thức

HÀNH TRÌNH GIEO HẠT (67): CÂN BẰNG TRONG KHỞI NGHIỆP

 

Tôi từng có một doanh nghiệp riêng và hiện có một trung tâm tư vấn khởi nghiệp dành cho các bạn trẻ. Tôi sẽ kể vài câu chuyện mong giúp ích về điều gì đó dù ít hay nhiều cho các bạn.

Đầu tiên là câu chuyện tuyển dụng của doanh nghiệp. Khi tôi tuyển kế toán cho công ty mình, tôi không đọc bản lý lịch với những thành tích học vấn từ đầu tiên mà đưa cho các bạn một bản lý lịch trống và đề nghị bạn điền vào đó bằng chữ viết tay, tiếp theo là cho các bạn một phép toán cộng có nhiều chữ số nhưng đơn giản và cũng đề nghị cộng tay mà phải đặt thành hai hàng trên và dưới giống hồi học cấp một. Nhà tuyển dụng cần một người làm kế toán cẩn thận vì thế chữ viết tay có rõ ràng và sắp xếp các con số ngay ngắn hay không sẽ thể hiện ra được con người của họ, đây là ưu tiên đầu tiên trước khi xét về các thứ khác. Còn khi tôi tuyển nhân viên làm quản lý kinh doanh, tôi đưa ra sản phẩm và đề nghị họ cho ý tưởng sơ bộ về cách kinh doanh chứ cũng chưa quan tâm nhiều tờ khai xin việc của họ. Có người xổ ra ngay một tràng hùng biện lý thuyết rất khoa học và hoành tráng, có người tỏ thái độ dè dặt và xin hẹn lại với lý do cần có thời gian suy nghĩ hay nghiên cứu thêm về sản phẩm. Và tôi đã chú ý tới người cẩn trọng kia hơn là kẻ khoe mình từng đi du học, có kinh nghiệm làm việc ở các công ty lớn vì người tuyển dụng cần một người trung thực và cẩn trọng hơn là kẻ khoe khoang mồm mép. Nhà tuyển dụng chuyên nghiệp họ biết cách nhận xét con người qua một vài câu hỏi “phi truyền thống” bất ngờ để người dự tuyển không kịp thời đối phó, vì thế tốt hơn hết là chúng ta khai báo trung thực cho đỡ hại não. Bạn cũng đừng lo rằng người ta không hiểu về bạn, người tuyển dụng kinh nghiệm họ biết phân biệt “cái không biết” của người một hiểu  biết với của người dốt thật sự, do đó bạn cần thể hiện mình là người trung thực và đó là điểm cộng của bạn. Và bạn sẽ còn gặp rất nhiều chuyện khác tương tự, hãy lưu ý khi đi tham dự tuyển dụng.

Sang vấn đề thứ hai là câu chuyện khởi nghiệp. Tôi từng tư vấn, giúp đỡ cho nhiều người khởi nghiệp ở mọi lứa tuổi trong nhiều ngành nghề nhưng thực sự người thành công được rất ít. Tìm hiểu về nguyên nhân thì cũng chủ yếu là do chính người khởi nghiệp.

-Có người cho rằng mình tốt nghiệp đại học, học hành đủ thứ trường lớp cả trong lẫn ngoài nước nên biết rất nhiều thứ vì thế rất tin mình sẽ thành công trong khởi nghiệp. Thất bại do quá tự tin, chủ quan khi nghĩ mình hơn người khác.

-Có người chạy theo thiên hạ, thấy người ta làm việc gì ngon lành là nhảy vào và lãnh hậu quả. Trường hợp này thất bại là do thiếu kinh nghiệm và thiếu các mối quan hệ

-Có người thiếu hẳn nền tảng ý chí, sống vội, mong làm giàu nhanh và dễ hay nảy sinh lòng tham, lừa đảo, kinh doanh gian dối, sống không biết giữ uy tín… thất bại là sẽ tới.

Muốn khởi nghiệp hay làm bất cứ việc gì thành công thì ngoài yếu tố CẦN thiết là kinh nghiệm và học hành nghề nghiệp thì còn cần tới yếu tố ĐỦ, đó là khả năng quản trị, khả năng huy động vốn và sức khỏe…tóm lại là sự tổng hợp của nhiều yếu tố cộng lại.

Tuổi trẻ thường đam mê và liều lĩnh. Ước mơ làm chủ cuộc đời làm chủ doanh nghiệp là những điều chính đáng cần phải có với tuổi trẻ. Nhưng tuổi trẻ cũng rất dễ bi quan và mất kiểm soát, gặp khó khăn rắc rối trong cuộc sống thì dễ phản ứng tiêu cực hơn người lớn tuổi nên sự khởi nghiệp bắt đầu từ những tâm tư như thế rất dễ gặp trắc trở. 

Bất kỳ lứa tuổi nào cũng có thể khởi nghiệp, làm một công việc mới gì đó. Việc mới thì hay gặp nhiều rủi ro nhưng nếu bạn biết ứng dụng nguyên lý cân bằng thì xác xuất thành công sẽ cao hơn rất nhiều. 

Bắt đầu bằng việc tự xét năng lực của chính mình và những điều kiện mà mình đang có. Đó là nghề nghiệp được đào tạo, nhu cầu xã hội, khả năng tài chính và tình trạng sức khỏe… Bạn hãy cân nhắc thật cẩn thận mọi yếu tố thuận lợi và rủi ro với công việc mới, nếu cần hãy thử làm nhỏ nhỏ việc mình dự tính nếu có thể thử vì nhiều thứ sẽ diễn ra không như mình dự tính. Đó là ứng dụng sự cân bằng.  

Bạn đừng bao giờ làm những công việc phong trào, trừ khi có sự hướng dẫn của người thành công trong lĩnh vực đó. Bạn cũng đừng đặt quá nhiều hy vọng vào bất kỳ vấn đề gì mà hãy bình tĩnh tính toán cả những thứ bất lợi có thể xảy ra. Trong đầu tư bạn cũng đừng bao giờ bỏ trứng vào một giỏ, hãy chia đầu tư ra nhiều thứ khác nhau nếu có đủ nguồn lực. Hãy chọn một mô hình khởi nghiệp đầu tiên cho mình, cơ sở hay công ty đều không quan trọng. Hãy quan sát kỹ các đối thủ tiềm tàng của mình vì trước sau cũng đụng chạm với họ… đó là ứng dụng nguyên lý cân bằng 

Cuối cùng thì bạn hãy quyết tâm làm những gì mình đã ra quyết định chọn lựa sau khi đã tính toán thật kỹ những bước đã nói trên, hãy vượt qua những khó khăn trong ba năm đầu tiên khởi nghiệp, nếu biết tận dụng sự năng động của doanh nghiệp quy mô nhỏ, chúng ta có thể dùng giá thành và chi phí thấp như đóng thuế ít, quỹ lương ít, giá thuê mặt bằng và chi phí vận hành doanh nghiệp thấp… để cạnh tranh với các công ty lớn, chúng ta có thể ứng dụng sự sáng chế sáng tạo đổi mới dễ hơn nhiều những doanh nghiệp lớn với bộ máy cơ chế kiểm duyệt và chuẩn bị cồng kềnh, những ưu thế mà các doanh nghiệp đã trưởng thành đang mơ ước đó nếu chúng ta biết tận dụng sẽ bù đắp được nguồn vốn kinh doanh đang hạn chế, khách hàng ít và năng lực quản lý chưa cao. Đó là bạn đã biết cân bằng. CHÚC CÁC BẠN THÀNH CÔNG. 

icon gio hang 0