Kiến Thức

HÀNH TRÌNH GIEO HẠT (71): CÂN BẰNG VÀ THUYẾT SINH TỬ

 

Học thuyết về sinh tử là một trong những thuyết chủ chốt trong hầu hết mọi tôn giáo. Có vô số cách để giải thích về câu chuyện chúng ta được sinh ra từ đâu và khi chết thì sẽ đi về đâu. Ngay những người cùng đạo cũng vẫn hiểu mỗi người mỗi kiểu vì dựa vào sự hiểu biết của họ về những điều trong các kinh sách đề cập. Bởi vì kinh sách được dịch từ tiếng nước ngoài, với nhiều câu văn cổ cùng quá nhiều từ “chuyên môn” của tôn giáo nên cũng chẳng mấy người bình thường mà hiểu được nên thường dẫn đến việc suy luận lung tung, thế là diễn dịch sai ý. Để hiểu đúng ý kinh ta phải Ngộ, tức đưa tinh thần hòa hợp tần số của người viết ban đầu, do đó mới gọi là phật pháp là bất khả thuyết, vì lý thuyết là vào ngôn từ, ngôn từ sinh từ tư duy chủ quan. 

Để giải thích vấn đề này theo kiểu của tôn giáo, tôn giáo hiện sinh mà đại diện là đốn giáo của Thiền tông hiện đại giải thích như sau: sự sống chết của con người mấu chốt vẫn dựa vào chủng tử tức nhân quả và duyên hợp tức nghiệp báo. Con người sống chia làm hai thứ:

-Phần thân xác được di truyền qua cha mẹ, cấu tạo bằng các vật liệu tự nhiên thông qua các chủng tử là trứng và tinh trùng, do duyên của cha mẹ giao hợp lại.

-Phần tâm linh được đưa vào thân xác đó để làm ra sự sống cho nó. Phần tâm linh này cũng bao gồm chủng tử nằm sẵn trong trứng của mẹ và tinh của cha trong tàng thức, các chủng tử này gọi là tánh chủng, Như lai tàng, thánh linh… cấu tạo bởi vô số trạng thái tâm gọi là Phật tánh để tạo thành giống chủng đó. Đến lượt các giống chủng Phật tánh của cha và mẹ hợp lại với nhau bởi duyên hợp của họ, thế là có một sinh linh mới ra đời.

Theo kinh sách đại thừa thì các thứ Phật tánh ấy đều nằm sẵn trong tàng thức của mỗi chúng ta cũng như trong trời đất. Chúng không do ai sinh nên cũng chẳng bị diệt, chỉ có gặp duyên để hiện ra hay không mà thôi. Vì thế vấn đề tái sinh linh hồn cũng cần lập luận lại cho đúng bản chất của vấn đề: linh hồn không sinh không diệt, linh hồn mọi người là trạng thái và không khác biệt, nhưng linh hồn người này khác linh hồn người khác, giống như dòng chảy nước đầu nguồn hôm nay và ngày mai là hai dòng khác nhau dù vẫn gọi là dòng nước. Nếu có sự trùng lập nào đó chỉ là do “mượn hồn hay nhập hồn” mà thôi.   

Như vậy tóm lại rằng để có giải thoát sinh tử thì theo thuyết Phật giáo thì phải làm sao để cắt duyên hợp thành của các chủng tử, tức hoặc là trứng sẽ không gặp tinh trùng để không tạo thành được thân xác, đồng nghĩa người nam và người nữ đồng đi tu không lập gia đình tránh sinh con cái; hoặc là không để các chủng tâm có thể hợp lại để khai triển sinh linh và điều này người ta cần đạt đến một trình độ tu hành nào đó để điều khiến được cả tâm thức của mình.  

Trong đạo Phật, thuyết sinh tử còn được triển khai dùng mô tả cách tư duy và hành động trong công việc đời thường. Nếu ta tạo SINH ra sự việc mà suy tư và hành động có mục đích nghĩa là đã tự tạo nhân nghiệp, kết quả dù tốt hay xấu mà đến theo nhân nghiệp ấy đều là TỬ. Bởi thế nên muốn giải thoát khỏi sinh tử rắc rối của cuộc sống phải chú ý đừng tạo ra nghiệp sinh thì sẽ cắt luôn nghiệp tử, hiểu là sống tịch diệt. Vì là kẻ sống thực tế nên tôi thấy cách sống này chỉ thích hợp với một số vô cùng ít những dạng người đặc biệt vì trong xã hội rộng lớn, chúng ta không thể ngừng làm việc nuôi sống bản thân và gia đình, đã làm việc phải có tư lương suy tính và do đó chúng ta chỉ nên ước mong tiệm cận dần dần để được giải thoát khi tuổi đã về chiều thôi nhé.

Như thế là lý thuyết tôn giáo không mâu thuẫn với khoa học: cho rằng mọi dạng tinh thần con người đều nằm sẵn trong mỗi người, chỉ tùy điều kiện mà ứng hiện ra thôi. Thứ nữa là sự sống sinh vật cấu tạo bởi thân thể và tâm thể, tâm thể gọi là linh hồn hay tinh thần điều hành thân thể, nghĩa khác là sự lập trình thông tin sinh học của tạo hóa trên trường năng lượng sinh học. Tất cả quá trình trên, dù giải thích theo duy vật khoa học hay duy tâm tôn giáo thì đều lấy nhân quả cân bằng và nguồn gốc phát sinh làm chuẩn, tức là cấu trúc từ sự Cân bằng của các yếu tố tạo thành. 

Mỗi người chỉ cần có nhận thức đúng đắn về cái tự nhiên phải có, sau đó chúng ta tự lựa chọn cho mình một cách suy nghĩ đúng đắn nhất, nếu chúng ta luôn suy nghĩ hướng thiện, lời ăn tiếng nói vừa phải, tư tưởng lẫn việc làm đều trong sáng, tình cảm bao la như các vị thánh nhân thì tự nhiên chúng ta là thánh nhân, thành Phật. Tâm chúng ta còn tà vạy, buôn gian bán lận, kinh doanh lừa lọc, làm việc thì tham nhũng, ăn hối lộ, hại người khác, hại dân, hại đất nước… thì dù miệng nói hay thế nào đi nữa, bụng vẫn thuộc loài ma quỷ thôi. Thánh nhân sẽ có số phận của thánh nhân. Ma quỷ sẽ có số phận của ma quỷ. Đó chính là nhận thức cân bằng. Nhân quả không sai. Nghiệp báo chuẩn xác. Sinh tử là ở ngay trong cuộc sống này ta tự tạo. 

 

icon gio hang 0