Kiến Thức

HÀNH TRÌNH GIEO HẠT (72): NỀN TẢNG NHẬN THỨC

 

Mỗi khi nói về nền tảng nhận thức, người ta hay hỏi “Cái gì, hay đâu là chân lý ?”, bởi vì chân lý chính là nền tảng! Trả lời cho câu hỏi này người ta lại có xu hướng quy về tôn giáo và các giáo lý của nó. Nhưng thực sự đây cũng là một vấn đề.

Trước hết chúng ta phải thống nhất với nhau chân lý nền tảng phải là sự thật khách quan, không phụ thuộc vào sự suy luận, suy diễn, tưởng tượng của bất cứ ai. Như thế chân lý phải là những gì mà tai nghe mắt thấy một cách rõ ràng, hay chí ít là nó cũng được suy diễn từ một nguyên nhân rõ ràng dựa theo quy luật nhân quả.

Nếu xét về riêng điều này, ta thấy một sự mâu thuẫn lớn bởi hầu hết giáo lý các tôn giáo đều biên soạn dựa trên sự nhận thức hay tưởng tượng của con người bằng xương thịt, sự biên soạn ấy dù bằng ngôn ngữ hay chữ viết thì đều là quy ước, vì mọi ngôn ngữ, chữ viết đều là quy ước xã hội, mà quy ước là do tâm trí con người tưởng tượng đặt ra nên pháp bất khả thuyết, tức không thể dùng ngôn từ, chữ viết để giảng đạo. Vì thế chúng ta phải hiểu pháp bằng tính ngộ biết, tức sự hiểu ý nghĩa nội dung câu chuyện mà tôn giáo muốn đề cập chứ không phải chính câu chuyện tưởng tượng trong đó.

Ngay cả hiểu về ý nghĩa câu chuyện tôn giáo cũng lại có vấn đề. Thường thì chúng ta đồng lòng về một khái niệm sinh ra vũ trụ và đặt tên nó theo sự quy ước tưởng tượng của mình, đó là Sự trống rỗng, còn gọi là Tính Không hay Thượng đế. Theo đó tất cả mọi thứ vũ trụ đều trong trạng thái nhất thể hoàn hảo ấy là vô định hình, là không tự tính, là trống rỗng và do duyên hợp mà sinh ra vũ trụ. Nếu chấp nhận điều này là đúng đi thì có nghĩa rằng thiên đàng và địa ngục là hư không; thần thánh, phật, thượng đế, ma quỷ và con người đều là ảo ảnh; hạnh phúc hay khổ đau, giàu hay nghèo…tất cả chỉ đều là ảo tưởng. Tóm lại rằng mọi thứ đều là sự tưởng tượng của chúng ta mà ra. Và đó chính là mâu thuẫn lớn vì khi đó những gì đang được viết trong mọi kinh sách cũng chỉ là sự tưởng tượng mà thôi. Đó là suy luận thuần lo-gic: chính nội dung giáo lý trong kinh sách tôn giáo đã bác bỏ các câu chuyện trong tôn giáo, tức là sự bác bỏ…chính mình! 

Tôn giáo đã không bác bỏ chính mình vì đây là kiểu trò chơi chữ nghĩa. Kinh sách tôn giáo muốn truyền tải cho ta những thông điệp thông qua những câu chuyện tưởng tượng bởi vì bản tính con người là thích những câu chuyện tưởng tượng. Cái sai là ở cách hiểu của chúng ta, ở các đạo sư tôn giáo vì đã không nói rằng đó chỉ là những câu chuyện cổ tích tưởng tượng ra chứ không phải chuyện thật và do đó chúng ta phải hiểu câu chuyện theo nội dung chứ không được tin vào câu chuyện đó là có thật. Người ta đã cố tình lờ đi điều này hàng ngàn năm nay rồi!.

Giáo lý tôn giáo chỉ chân lý giống ngón tay chỉ trăng. Thay vì hiểu chân lý là ở chỗ mặt trăng thì người mê lại nghĩ đó là ngón tay đang chỉ. Chúng ta bám níu vào các câu chuyện tưởng tượng  trong kinh sách và bảo đó chính là chân lý do chính chư Phật dạy, do Chúa bảo thế. Viên ngọc quý giá nằm trong chính nội dung câu chuyện thì không thấy mà lại thấy ảo ảnh của viên ngọc là một câu chuyện được đề cập trong kinh sách.

Như vậy chân lý của thực tại khách quan là gì? Là chính thực tại khách quan. Nói gần nói xa chẳng qua được nói thật: chúng ta tưởng tượng ra đủ thứ, rồi bám lấy những điều tưởng tượng ấy làm nguyên Nhân để đẻ thêm ra các kết Quả tưởng tượng khác và cứ thế kéo dài mãi câu chuyện. Chúng ta giải thích các hiện tượng bằng lý luận mà lý luận ấy được xây dựng trên một sự tưởng tượng có trước đó, điều này có nghĩa là xây nhà trên cát, xây nhà không có móng vậy.  

Thực tại khách quan chính là những gì vũ trụ đang vận hành. Vũ trụ là những trạng thái và các mối giao kết của các trạng thái ấy theo những bố trí có định hướng gọi là sự lập trình và khi nói đến lập trình sẽ đồng nghĩa với quan hệ qua lại nhân quả cân bằng, giống như mọi phương trình toán học vậy: có tham số, biến số, ẩn số để ra cuối cùng là kết quả. Ai là người lập trình? Đó là cái mà ta thường gọi là duyên hợp hay Thượng đế, còn theo riêng tôi thì đó là do sự tương kết của các loại tần số năng lượng trong vũ trụ theo nguyên tắc cân bằng.

Chúng ta tìm hiểu về chân lý khách quan để làm gì? Theo tôi thì cái đầu tiên cần thiết là mở mang tri thức. Tiếp theo là việc dùng tri thức đã biết ấy để tư duy và hành động. Nếu chúng ta biết sống hành động thuận tự nhiên thì cuộc đời thường gặt hái được sự hanh thông, mỹ mãn. Và đó chẳng phải là thiên đàng hay niết bàn của bạn hay sao?

Là người trong thời hiện đại, chúng ta hãy học thói quen làm việc và suy nghĩ một cách khoa học. Chúng ta hãy xây dựng mọi thứ dựa trên những nền tảng vững chắc, đó là những nền tảng có thể kiểm chứng được hoặc nếu là lý luận thì cũng phải dựa trên cơ sở nào đó vững chắc đã được chứng minh bắc cầu chứ không thể dựa vào lý luận suông kiểu như: cái đó là như thế bởi vì… “ai đó” đã từng nói như thế. Đó chính là NỀN TẢNG NHẬN THỨC.

icon gio hang 0