Kiến Thức

HÀNH TRÌNH GIEO HẠT (73): TẦM SƯ HỌC ĐẠO

 

Đường học của con người chúng ta thường phải trải qua nhiều giai đoạn. Giai đoạn học về thế giới xung quanh mình và ngôn ngữ từ 0 đến 7 tuổi. Giai đoạn học sơ cấp từ 7 đến 12 tuổi tức lớp 1 đến lớp 5 phổ thông, học về những điều cơ bản nhất như chữ viết, tư duy toán học và đạo đức. Giai đoạn cao hơn từ 12 đến 22 tuổi tức học lớp 6 đến trung, đại học là kiến thức cơ bản bậc trung cao và học nghề. Sau giai đoạn này mỗi người chúng ta được chuẩn bị hành trang để sẵn sàng bước vào cuộc sống 40, 50 năm làm việc tiếp theo. Dù từ 20 tuổi chúng ta đã định hình được tính cách bản ngã của riêng mình, nhưng có thể chúng ta chưa được chuẩn bị cho mình một thứ rất quan trọng, đó là mục đích và phương hướng sống. Hầu như hệ thống trường lớp phổ cập đều không quan tâm, chú ý hay là không có phương tiện để dạy chuyên đề như một môn học, tín chỉ về vấn đề quan trọng nhất, đó là dạy làm chủ tinh thần.

Bởi vì ngành học khác nhau, con người khác nhau nhưng tinh thần sống và làm việc thì ai cũng như nhau. Thành hay bại đều do tinh thần chúng ta quyết định: chúng ta thiện lương sẽ thành công kiểu thiện lương, láu cá thành công kiểu láu cá, lười biếng hay suy nghĩ thiếu chín chắn sẽ thất bại trong cuộc sống, chăm chỉ và hiền từ sẽ gặt hái sự yên ổn, tài năng sáng tạo và biết tư duy đúng đắn sẽ thành công lớn… tất cả đều do tinh thần con người mà tạo ra.

Vì thế các bạn thanh niên sau khi ra trường thường phải tự tìm kiếm cho mình con đường Tâm đạo, tức hệ tư tưởng sống, nói cách khác là tinh thần cho mình. Đây là mảnh đất màu mỡ để ai đó lôi kéo người ta vào các hệ thống tôn giáo cũng như các ý thức hệ chính trị.

Có rất nhiều ý thức hệ tư tưởng, hệ thống chính trị và các tôn giáo cùng tồn tại song song trong mọi thời ở khắp nơi trên thế giới. Tùy hệ thống nào tác động vào con người trước hoặc là con người phù hợp tần số tâm thức của mình vào hệ thống nào thì người ta sẽ lấy hệ thống đó làm tinh thần chủ đạo của mình. Có những người gia đình theo đạo Chúa nhưng lại bỏ đạo nhà theo Phật. Có những người bỏ đạo Phật theo Tin lành hay đạo Tiên. Đức Phật bỏ đạo Balamon thành lập Phật đạo… là những ví dụ cụ thể về việc phù hợp tần số tinh thần cá nhân với xã hội.

Bài viết này chỉ thuần túy nghiên cứu chứ không đưa ra lời khuyên, không chê khen bất cứ hệ tư tưởng nào cả. Thật sự là để biết mình phù hợp với một ý thức hệ nào đó thì ta phải tìm hiểu và thậm chí dấn thân vào để tự trải nghiệm, cũng giống như đức Phật năm xưa phải thử nhiều cách tu hành rồi mới tìm ra cho chính mình một con đường đi riêng vậy. Sau khi trải nghiệm chúng ta thấy mình phù hợp với tần số tâm thức nào thì hãy quyết tâm đi theo con đường ấy.

Dù bạn có sự học cao hay thấp đến mức nào, giàu hay nghèo đến đâu thì đó là sự của Đời, bạn vẫn phải có được lý của Đạo bởi vì đạo - đời không thể tách rời nhau. Nhiều bạn nói “tôi không có đạo” tức là bạn đã ngộ nhận, bởi vì khi nhận mình không có đạo tức là bạn có “đạo vô đạo” trong mình rồi, đó là chưa kể ngộ nhận lớn hơn là bạn có thể đồng nghĩa đạo chỉ bao hàm trong hai từ “Tôn giáo”.

Không có đạo đồng không có tinh thần, không có tinh thần đồng với sự chết, sự chết đồng không có đời sống của bạn. Tóm lại rằng không đạo sẽ không đời, bởi thế mỗi chúng ta buộc phải tìm trang bị cho mình một hệ tư tưởng phù hợp và đúng đắn nhất cho chính mình. Nếu bạn tìm sai con đường bạn sẽ mắc kẹt. Con đường đúng bạn sẽ tới vinh quang. Nhưng quan trọng là làm sao để tìm được con đường để lên thiên đàng hay vào địa ngục đây, khi mà trường lớp không dạy mình.

Với cá nhân mỗi người hãy tìm hiểu và trải nghiệm. Khi tìm hiểu ta phải giữ tâm vô tư để nhận xét đánh giá bởi trên con đường tầm đạo bạn sẽ gặp rất nhiều ông thầy, rất nhiều sách vở, rất nhiều thể loại tinh thần, chính trị có, tôn giáo có. Trong mọi trường hợp bạn phải để sự cân bằng lên hàng đầu tiên, bạn xem lý luận ấy, giáo lý ấy có cân bằng với cuộc sống, với đời thực, với chính mình hay không. Bạn đừng bao giờ tin vô điều kiện vào bất cứ thứ gì chỉ vì tin rằng cái đó là chân lý do chính người thầy mình tôn trọng nói ra, thậm chí người ta bảo rằng đó là lời của Chúa, kinh của Phật thuyết.    

Với xã hội, hãy đưa môn giáo dục tinh thần sớm vào hệ thống trường học. Đưa sớm chừng nào xã hội sẽ bớt đi rối loạn chừng ấy. Không thể mong đánh đồng mọi tư tưởng, không thể mong chỉ có một hệ tư tưởng duy nhất, xã hội phải chấp nhận đa hệ vì tần số tâm thức là đa dạng. Chúng ta chỉ có thể uốn nắn những tư tưởng phi khoa học, tư tưởng gây hại cho xã hội, giống như diệt trừ cỏ dại để cứu đồng lúa của mình vậy.

Giác tử. 

icon gio hang 0