Kiến Thức

HÀNH TRÌNH GIEO HẠT (75): CÂN BẰNG TRONG GIÁO DỤC

 

Lịch sử đã nói rằng giáo dục là việc quan trọng nhất trong sự phát triển của xã hội loài người. Nơi nào giáo dục lạc hậu chắc chắn nơi đó kinh tế sẽ nghèo đói, xã hội chậm phát triển về mọi mặt. Nơi nào giáo dục phát triển sẽ có nền kinh tế giàu có và trình độ dân trí nâng cao. Sức mạnh nội lực một quốc gia cũng từ đây mà ra.

Nhìn vào nạn gian lận thi cử, sinh viên tốt nghiệp nhưng không có khả năng làm việc hay đạo đức xã hội xuống cấp…là thể hiện một nền giáo dục yếu kém. Cảm thụ văn hóa lệch lạc, thích những giá trị tinh thần đơn giản, đam mê thú vui rẻ tiền, đắm chìm vào tệ nạn… cũng là mối nguy cho giá trị của cả một đất nước.

Nếu những người có trách nhiệm không nhìn xa trông rộng hay biết mà vẫn không biết làm phải sao thì sẽ là thảm họa lớn của cả một dân tộc. Chúng ta thử hình dung ra sao nếu một ngày nào đó lãnh đạo công an và quốc phòng là những tay anh chị xã hội đen đi lên, văn hóa sẽ về đâu nếu những nghệ sĩ tự phong vì biết đạo nhạc, đạo văn lên làm cán bộ văn hóa và kinh tế sẽ ra sao nếu lãnh đạo cao cấp là những đứa bé được nâng điểm năm xưa, từng đút lót chạy chọt để tìm kiếm địa vị xã hội?.

Việc giáo dục con người là việc trăm năm như Bác Hồ đã nói. Chúng ta phải có sự cân bằng trong giáo dục: từ tấm bé học vỡ lòng con trẻ cần được giáo dục đạo đức, tình yêu quê hương đất nước, yêu cha mẹ, kính ông bà, trọng thầy cô, lớn dần lên thì học dần kiến thức khoa học, kiến thức xã hội… Việc dạy đạo đức, kỷ năng sống và tri thức học thuật phải đồng đều cùng với việc thể thao rèn luyện sức khỏe và sức chịu đựng phải coi trọng. Đó là phương pháp giáo dục cân bằng. 

Cha mẹ hiện đại ngày nay lo cho việc làm kinh tế và kiếm tìm danh vọng, chức vị xã hội hơn là lo cho con cái và gia đình. Họ coi rằng đem tiền nhiều về cho gia đình là đủ, là xong trách nhiệm cao cả, còn chuyện giáo dục con cái là chuyện nhỏ nên có thể giao cho nhà trường thầy cô, cứ có nhiều tiền là xong, quẳng cho nó cái Ipad để chơi game, nhỏ thì thuê gia sư kèm riêng, lớn chút học trường quốc tế xịn, lớn chút nữa cho du học nước ngoài cho oai. Hàng ngày tiêm nhiễm con trẻ thói học đòi, xài hàng hiệu, sống hẹp hòi ích kỷ, khen nó thông minh khi nó gian lận, dạy nó cách gian lận khi thi kiểm tra bài, hối lộ mua điểm thi cho nó. Bản thân cha mẹ nói những chuyện xấu như nhận hối lộ, hại người… trước mặt các con cũng là trực tiếp tiêm nhiễm những ý thức xấu vào chúng. Nếu chính cha mẹ tạo tâm thức xấu cho con cái như vậy thì với công đức xấu đó sau này chúng nó sẽ gặp nhiều tai họa và thậm chí, gần như chắc chắn, nó sẽ đối xử với cha mẹ ruột cũng chẳng ra gì, khi đó chính cha mẹ lại nuốt nước mắt hối hận vì chính mình đã tạo ra sự bất hiếu của chúng. Đó là sự Cân bằng.

Muốn có nền giáo dục tốt thì đầu tiên các gia đình phải tự giáo dục chính mình. Sau đó quốc gia phải quan tâm thiết lập chương trình giảng dạy sao cho cân đối giữa tri thức và đạo đức làm người. Mỗi quốc gia phải lựa chọn ưu tiên giáo dục một cách thực chất chưa không phải kêu gọi hình thức. Việc này gọi là tạo dựng công đức. Tạo lập công đức vô cùng quan trọng, nó ảnh hưởng đến cuộc sống chính bạn và những thế hệ tương lai của bạn. Bạn thấy đó, nếu là kẻ bất lương con cái họ cũng thường bất lương, người lương thiện con cái cũng thường tử tế. Đó là sự cân bằng 

icon gio hang 0