Kiến Thức

KHAI SÁNG 10: NGUYÊN LÝ CÂN BẰNG 39

39. Tôn giáo: Cuộc sống mà mất quân bình- sẽ là kết thúc trong đau khổ. Vì thế các tôn giáo đã ứng dụng Tâm pháp rất triệt để. Tôn giáo thấy rằng con người đang khổ đau và có nhu cầu giải quyết, thế là họ đưa ra các biện pháp phù hợp để giúp an tâm con người, tức giúp người ta lập lại cân bằng trong Tâm của họ. Ngược lại, do con người thấy được lợi ích đến với mình nên đã có niềm tin yêu tôn giáo. Như thế nghĩa là con người đã coi tôn giáo là điểm tựa cân bằng của mình, còn nếu biết Tâm pháp, ta có thể tự lập lại cân bằng cho chính mình- người làm được việc này là người biết tự giải thoát, là người có trí tuệ tự chủ.

Tâm pháp được ứng dụng triệt để trong mọi tôn giáo. Trong đạo Phật có một pháp môn tu áp dụng tánh cân bằng gọi là Thiền tông. Thiền tông lấy sự quân bình của Tâm làm căn bản của việc tu hành. Người tu cần phải biết về chân Tâm và chân Tánh của chính mình để tự cân bằng, và chủ yếu phải  hướng vào trong chính mình để tự giải thoát. Việc giữ cho mình có một Tâm luôn thanh tịnh, không phân biệt tốt hay xấu gọi là Tâm như như bình đẳng trong mọi lúc mọi nơi, mọi hoàn cảnh cuộc sống là để đạt đến một trạng thái cân bằng gọi là sự giải thoát. Sở dĩ có như vậy là vì trong cuộc sống xã hội luôn tồn tại nhiều quan niệm khác nhau về đẹp hay xấu, về đúng hay sai, về các trạng thái trái nghịch nhau, mà nếu chỉ quan niệm theo ý mình có thể là không đúng với người khác vì mọi việc chỉ là sự tương đối trong nhận thức từng người. Rồi cái gọi là đúng- sai đó lại thay đổi tùy thuộc pháp luật của từng quốc gia, từng thời kỳ của xã hội. Do đó theo lục tổ Huệ năng giảng trong pháp Bảo đàn kinh thì chúng ta hãy chỉ quan sát mọi sự việc như chính nó đang là chứ đừng khởi niệm suy nghĩ phân chia. Chúng ta chỉ quán sát những cái tốt hay xấu của chính mình gọi là định, đừng thấy việc tốt xấu của người ngoài. Rồi ngay cả những cái gọi là tốt xấu của chính mình cũng đừng trụ bám vào, tức là phải để cho Tâm của ta thông suốt, tịnh lặng gọi là tâm thiền. Làm như vậy có lợi ích vì Tâm của ta sẽ trong sạch, mà Tâm sạch sẽ dẫn đến Tánh đẹp, Tánh đẹp sẽ có Tướng tốt, Tướng tốt sẽ được Số tốt. Câu nói:”Tâm sinh tánh, tánh sinh Tướng, tướng sinh số phận” là vậy. Tóm lại, việc tu hành theo Thiền tông phải lấy chính chúng ta là trọng tâm, rồi lấy Tâm ta làm điểm cân bằng sau đó xả bỏ tư duy nhị phân xung quanh điểm ấy. Đây chính là tu theo Tâm pháp.    

Thiền tông sẽ mang lại cái nhìn mới mẻ vì chỉ cho bạn thấy chân tánh của chính bạn. Thiền tông không phải là tôn giáo bởi vì Thiền tông không có giáo lý riêng, không thờ tượng ảnh, không thờ đa thần hay đơn thần, không có các công khóa, lễ nghi, trì chú, tụng niệm… Thiền tông khuyến khích con người làm chủ cuộc đời mình, tức mình là giáo chủ của chính mình. Thiền tông cũng không bài bác, chống đối các niềm tin khác nên không tạo ra các mâu thuẫn sâu sắc với xã hội. Ngược lại thiền tông có thể dung hòa các tư tưởng và ai cũng có thể dùng lối tu tập thiền định của thiền tông để phát triển các tư tưởng riêng của mình. Như thế Thiền tông là một trong những con đường để đưa ta đến giải thoát. Nếu nói rằng cần có tôn giáo mới có giải thoát thì rất nhiều người đã giải thoát từ khi chưa có đạo Phật thì họ đi bằng cách gì? Ngay chính đức Phật Thích ca cũng từ thiền định mà lập đạo chứ không phải ngược lại. Đức Chúa Giê su và Nhà tiên tri Mohamet cũng thế. 

icon gio hang 0