Kiến Thức

KHAI SÁNG 11: NGUYÊN LÝ CÂN BẰNG 40

40.Tánh không hay thượng đế tánh- sự cân bằng tối thượng.   

Ta đã biết rằng mọi thứ đều từ nhị phân mà sinh ra hình tướng, hiện tượng, sự việc. Vậy chỉ cần triệt tiêu nhị phân, tức triệt mất âm và dương thì tự nhiên mọi thứ đều biến mất. Sự hợp nhất của âm và dương hay sự thiếu một trong hai thứ đó cũng làm mất đi hình tướng vật lý. Điều này nghĩa là sự cân bằng tối thượng sẽ dẫn đến sự triệt tiêu vật chất hình tướng để biến thành một dạng tồn tại khác, một đồng nhất của vũ trụ mà ta gọi là thượng đế tánh hay không tánh – tức cái vô vi của vũ trụ. Ta có thể hiểu rằng sự đồng nhất không thực thể hay còn gọi là  Thượng đế, là tính Không đó bao trùm chứa đựng tất cả mọi thứ trong vũ trụ chứ không phải là “không có gì cả” theo nghĩa tiếng Việt! (và cả chữ Sắc trong kinh Phật là “sắc thân” chứ không phải nghĩa là “có” như ta thường hiểu). “Không tính” chính là thể cân bằng tuyệt đối theo nghĩa lý cao siêu.   

Ý nghĩa của thuyết này là ta nên hiểu rằng mọi thứ trên đời đều là kết hợp hư giả, khi hợp khi tan, vì thế ta đừng nên bám chấp vào nó. Có nghĩa là chúng ta phải biết kiểm soát mình, và không được quá tham lam hay bám chấp kỳ vọng vào bất cứ cái gì. Việc ta bám chấp (dù là tốt hay xấu) vào cái gì đó sẽ sanh ra mọi thứ rắc rối gọi là tạo nhân quả nghiệp báo hay sự sinh tử trong cuộc sống.  

Để dễ hiểu hơn, là tâm chúng ta nên bình lặng trong mọi hoàn cảnh cuộc sống. Ví dụ nếu ta giàu (tức có) tâm của ta vẫn bình thường; dù ta nghèo (tức không) tâm ta vẫn bình thường. Nghĩa là,  dù giàu hay nghèo, có hay không, đều không vui buồn, tức là không sinh không diệt – tức là an vui. Không cũng như có – có cũng như là không, nghĩa là dù “không hay có” ta thấy cũng bằng nhau. Cái này gọi là Tâm không phân biệt hay Tâm bình đẳng. Khi tâm ta bình đẳng thì mọi hiện tượng cảnh vật  sẽ phơi bày một cách khách quan như chính nó đang là. Sau đó ta dùng trí tuệ quán chiếu cái thật của sự việc và lúc này ta mới cho phép mình lựa chọn cách hành động sao cho hợp lý nhất theo kinh nghiệm của mình. Khi việc lựa chọn đúng đắn các hành động của mình thì nhiều cơ hội tốt (cả về vật chất lẫn tinh thần) sẽ hiện ra trong cuộc đời ta và những điều xấu cũng theo đó mà giảm thiểu. Kết quả cuối cùng là bạn sẽ cảm thấy cuộc sống mình hạnh phúc.

Ứng dụng cách hiểu về tính không trong cuộc sống là rất quan trọng. Giả sử nếu chúng ta đang là những người thành công, thì cũng nên hiểu rằng thành công này cũng là tạm, là trong một giai đoạn, vì thế không nên kiêu căng, tiêu xài đua đòi hoang phí, cần biết giữ gìn tích lũy tài sản để phòng khi khó khăn có cái mà dùng. Giả sử nếu ai đó không may đang trong giai đoạn khó khăn về cuộc sống, cũng đừng tuyệt vọng, vì đây cũng chỉ là tạm thời, hãy cố gắng làm việc hay học hành gì đó chăm chỉ để tích lũy chờ thời cơ tốt mà thay đổi cuộc đời. Sông có khúc- người có lúc mà. Đây là thực tế hoàn toàn. Nếu biết ứng dụng thì trong mọi trường hợp tâm ta đều thanh thản- đó chính là tâm pháp.   

icon gio hang 0