Kiến Thức

KHAI SÁNG 14: NGUYÊN LÝ CÂN BẰNG 45

45. Giải thoát: Kẻ nào thấu hiểu và thực hành Tâm pháp, người ấy là Người Giải Thoát. Có lẽ chúng ta nên hiểu rằng, chúng ta cần đến một sự giải thoát ngay trong thế gian hơn là giải thoát trong xa lìa thế gian. Tôi chưa thấy được một thế giới ngoài thế gian nào có thể giải thoát người đang sống khỏi phiền não nhưng tôi thấy nhiều người đã tự giải thoát trong thế gian. Nhưng làm sao mà giải thoát được khi tâm ta đang rối bời bởi cơm áo gạo tiền, bởi nghĩa vụ và cả tham vọng? Câu trả lời là khi đứng trước cảnh thế gian mà tâm luôn bất động và luôn kiên định, tức ta tự quân bình được chính mình thì chính là sự giải thoát đã đến với bạn. Đứng trước mọi việc mà các bạn không nảy sinh tâm phân biệt, không nghĩ đến tốt xấu, hay dở... thì sự rối loạn từ bản tâm sẽ không có đất để hình thành.

Bởi vì thật sự mọi cảm giác đau khổ hay hạnh phúc đều là từ tâm ta mà ra. Đó chỉ là cảm giác thô. Chúng ta cứ bám vào cảm giác dễ thay đổi của mình, nhìn vào những kinh nghiệm đã trải qua và so sánh, thế là tự nhiên ý hạnh phúc hay khổ đau xuất hiện. Cắt bỏ cảm giác là việc làm được và khi mất cảm giác thì cái gọi là khổ đau cũng tiêu tan. Vì thế chúng ta hãy là chính mình, đừng bao giờ sinh tâm so sánh với người khác. Đừng bao giờ nghĩ rằng mình kém hay hơn người khác về bất cứ điều gì. Họ là họ.Ta là ta. Không bao giờ nghĩ ai hơn ai để cho tâm được thanh tịnh bình đẳng.  

 Và cái tuyệt đối là điều mà con người mong ước, đó là sự giải thoát cho mình khỏi mọi phiền não và đau khổ. Không một ai ngoài chính mỗi người chúng ta phải biết tự giải thoát cho chính mình. Mọi sự giải thoát có từ bên ngoài chỉ là sự nương tựa tạm bợ mà ta cứ tưởng là mình được giải thoát. Vì vậy người nắm được nguyên lý cân bằng là nắm nguyên lý của sự giải thóat. Người thực hành được nguyên lý cân bằng là người gột bỏ hết được nhị phân, là gột bỏ hết nguồn gốc của mọi đau khổ vô minh và tái sinh luân hồi. 

Hãy là người giải thoát, bạn sẽ không bao giờ còn có cảm giác sợ sệt vào bất cứ điều gì trong cuộc sống, ngay cả cái chết. Là người giải thoát, bạn không phải lệ thuộc vào bất cứ điều gì, bất cứ ai, từ thể xác đến vật chất hoặc tinh thần. Bạn không còn sợ nghèo đói, không cầu thiên đàng hay địa ngục, không phải lệ thuộc vào bất cứ giáo lý hay tín ngưỡng nào cũng như không ai có thể buộc bạn làm những gì mà bạn không muốn làm- bạn phải được sống như chính bạn muốn.  

Bạn hãy là chính mình, bởi vì bạn chính là thượng đế. Người giáo chủ giỏi nhất, một người thầy hay nhất cũng không thể tốt bằng việc bạn là chính người đó. Hãy có lòng tin sâu vững như vậy thì mới có sự giải thoát chân thật. 

Và người ta Thiền định là để giao hòa với vũ trụ, với vạn vật, tức họ trở thành vạn vật. Những giáo chủ lớn sáng lập đạo đều sâu hiểu và thực hành thiền định. Nhiều tư tưởng lớn, nhiều phát minh và sáng tạo đều bắt đầu từ thiền định. Bởi vì thiền định chỉ là một phương pháp khai mở trí tuệ. Nhờ phương pháp khai mở trí tuệ đó mà họ có năng lực hơn người khác và do đó họ trở nên vĩ nhân, thành lãnh đạo, tự giải thoát được cho chính mình.

Bất cứ ai cũng có thể thực hành thiền định, bởi vì thiền định là một bản chất tịnh luôn nằm sẵn trong tâm mỗi người. Tâm người hướng ra ngoài là Động và khi quay hướng vào trong là Tịnh. Trong động có tịnh, trong tịnh có động. Động-Tịnh phải giao hòa tương sinh tương khắc thì mới có tâm tánh con người, tức là linh hồn của chúng ta. Cần gặp người hiểu biết để khơi dậy tiềm năng này, để con người có một cái tâm tánh cân bằng, khi đó tự nhiên mạng vận sẽ hanh thông và bạn sẽ có cuộc sống hạnh phúc và đó cũng chính là tâm pháp.

icon gio hang 0