Kiến Thức

KHAI SÁNG 19: LUẬN ĐẠO


“Đạo khả đạo phi thường Đạo”, lời Lão tử. Chữ Đạo viết hoa đầu tiên và cuối cùng là tôn giáo hay ý thức hệ, chữ đạo ở giữa có ý nghĩa là sự hiểu biết chân lý, là con đường đi đến mục đích, vậy nếu có một loại Đạo nào mà thấu hiểu (khả) về chân lý vũ trụ thì đó mới là loại Đạo phi thường.

Chúng ta hiểu sao về điều này? Vậy chẳng nhẽ những Đạo đang có sẵn, đang có hàng ngàn, hàng triệu, hàng tỷ tín đồ tôn sùng thì có Đạo nào đạt được sự phi thường đó hay không? Chúng ta hãy bắt đầu đi vào lược sử nguồn gốc của Đạo.

Có lẽ rằng trong thế giới mà chúng ta đang chứng nghiệm, chỉ có con người mới có Đạo, điều này có nghĩa là chỉ có con người mới cần đến Đạo. Vậy con người cần đến Đạo để làm gì?

Quy luật cân bằng cung cầu cho ta thấy nhu cầu tập họp sống bầy đàn, cộng với nhu cầu giải quyết các khát vọng, vật chất trong cuộc sống cần có những giải pháp để sắp xếp tôn ti trật tự trong xã hội để quản lý cho xã hội ổn định, sự sắp xếp đó đương nhiên sẽ nảy sinh ra sự phân chia sự quản trị theo năng lực cá nhân cùng với các đồng thuận tập thể mà ta gọi là luật pháp và điều này ta có thể quan sát được ở trên mọi loài động vật có tập quán sống bầy đàn. Trên con đường sống cơ bản đó, với trí tuệ tiên tiến của loài người, họ đã “sáng tác” ra rất nhiều thứ ý thức tinh thần để phục vụ cho nhu cầu sống của mình, nào là thơ ca, văn học, pháp luật, ý thức hệ và tôn giáo.

Cuộc sống đâu phải luôn trôi chảy, thế nên để giải tỏa những bức xúc hay cầu mong điều gì đó, tại mọi thời đại luôn xuất hiện các ý thức hệ, các tôn giáo đáp ứng nhu cầu đó. Tóm lại rằng mọi tôn giáo ra đời, mọi chủ nghĩa, mọi hệ tư tưởng ra đời đều chẳng qua là để đáp ứng mong muốn hay tham muốn của con người. Bạn hãy thử nghĩ mà xem, nếu xuất hiện một tôn giáo hay lý tưởng nào đó mà bắt buộc con người sống không như ý mình thì có tồn tại lâu dài hay không? Bởi vậy hầu hết các tôn giáo lâu đời và có đông tín đồ thường là những tôn giáo có giáo lý mà với ai cũng có thể phù hợp được và mọi người đều cảm thấy “ có lợi ích” của mình trong đó. Do đó chính lợi ích vật chất hay tinh thần đã phát sinh tôn giáo và các hệ ý thức.

Nhưng theo logic thì một khi vì lợi ích mà phát sinh ra ý thức thì bản chất ý thức ấy sẽ không còn “vô tư” nữa. Giáo  lý tôn giáo do con người viết ra giống như xã hội tạo ra luật pháp để phục vụ cho lợi ích của mình vậy, bởi vì thiếu “tính vô tư” nên chắc chắn người ta sẽ chỉ viết ra những điều có lợi cho họ, cho dù những điều ấy là sự thật hay là tưởng tượng, thậm chí là bịa đặt. Chúng ta dễ dàng thấy điều này khi đọc kinh sách của hầu hết các tôn giáo đều có rất nhiều câu chuyện hao hao giống nhau, thật hư lẫn lộn, mờ mờ ảo ảo theo kiểu hiểu thế nào cũng đúng, luận thế nào cũng được, để tín đồ và các đạo sư thường có thể cố gắng giải thích ý nghĩa sao cho… vừa lòng mình nhất. Một ma trận tri thức như thế không phải người nào cũng hiểu nổi bản chất thật sự của câu chuyện là gì. Vậy làm sao để hiểu mọi thứ theo đúng “cái thật” của nó? Nêu vài khái quát:

-Các tôn giáo hướng thần với niềm tin có thượng đế, trời, phật, thần linh, ma quỷ, linh hồn… và các tôn giáo này tin rằng chân lý tuyệt đối là có một đấng tối cao tạo dựng vũ trụ và có thế giới tâm linh ảnh hưởng tới cuộc sống hiện tại của con người, nên phải cầu nguyện, cúng tế, bùa chú với rất nhiều nghi thức tôn giáo để mưu cầu lợi ích của mình.

-Các tôn giáo hướng nhân lại coi chân lý vũ trụ chính là con người cùng với tất cả mọi thứ xung quanh nó, họ coi tất cả chứa trong một và đưa ra những giải pháp tự thân con người phải quyết định số phận của mình, sống hòa hợp với môi trường đang sống bao gồm cả thiên nhiên và xã hội loài người, mặc dù trong ẩn ý họ không phủ nhận có thế giới tâm linh.  

-Ý thức hệ vô thần chủ nghĩa bác bỏ tất cả những đức tin trên mà họ cho đó chỉ là sự mê tín, mê muội, là tác phẩm của chủ nghĩa ngu dân… nên họ chỉ coi trọng những gì khoa học chứng minh được hay hiện hữu thấy được mới là sự thật

Mọi tôn giáo này đang tồn tại song song hàng ngàn năm nay. Vậy tôn giáo nào là là hiểu đúng chân lý nhất?. Cho đến nay vẫn chỉ là sự tranh cãi bởi vì tôn giáo nào cũng cho là mình phi thường nhất. Bài viết này chúng ta cũng chỉ luận bàn chứ không khẳng định được gì hết, bởi tư tưởng nó có tần số riêng, ai hợp tần số nào thì họ coi cái đó là đúng nhất với họ, và không ai có thể bắt người khác thay đổi sự tự do ý thức ấy.   

Vậy liệu chúng ta có thể hy vọng có được một tôn giáo chung nhất hay không? Vẫn có thể với các điều kiện sau: Tôn giáo ấy phải đáp ứng các yếu tố chung.

-Coi trọng cái chung nhất mà tôn giáo nào cũng đồng thuận là yêu thương, từ bi, bố thí và sống có giới luật. Tất nhiên mỗi tôn giáo đều có những cái riêng nào đó thì chúng ta cũng đều tôn trọng tư tưởng đó của họ.

-Coi trọng cả bản ngã lẫn vô ngã, cả thường và vô thường, thậm chí không phân biệt cả đúng sai, phải trái… vì coi tất cả đó đều là cái tính chất chung của vũ trụ, là tính tương đối của sự sống con người trong dòng chảy liên tục của vũ trụ, do tùy điều kiện hay tùy thời kỳ mà hiện ra thế này hay thế kia mà thôi. Trong cuộc sống thực chúng ta cần tôn trọng cá nhân nhưng vẫn sống sao cho hòa hợp giữa cá nhân với thiên nhiên và xã hội có pháp luật.

-Coi trọng cả đức tin về thế giới tâm linh lẫn năng lực của con người. Thế giới này do Ai/cái gì tạo ra không quan trọng mà quan trọng chúng ta sống trong thế giới đó như thế nào để mang lại hạnh phúc cho tất cả.

-Tôn giáo cần nhập thế gian thực tế để có giải pháp thực tế nhất để đưa con người thoát khỏi thế kẹt của mình. Một trong nhiều giải pháp là làm cho con người hiểu được rằng: mọi người đều bình đẳng do có năng lực bản năng giống hệt nhau nên quyền và nghĩa vụ của họ trong xã hội đều được công nhận như nhau, nhưng bởi khả năng phát huy năng lực của riêng mình (tức bản ngã) là khác nhau do đó số phận của mỗi người mới khác nhau. Vì thế cần phải cung cấp các giải pháp để từng người biết tự phát huy năng lực trí tuệ cao cấp từ siêu thức của chính mình, khi ấy cuộc đời họ sẽ thay đổi.
Điều này nghĩa là Thượng đế trao năng lực trí tuệ cho tất cả mọi người là như nhau, nhưng việc khai thác chúng ít hay nhiều là do con người tự lựa chọn, đó là tự do ý chí của con người, và đó cũng sẽ là số phận của họ. 

Tới đây chúng ta có thể ngừng bàn luận để mỗi người tự suy ngẫm tìm ra giải pháp cho cuộc sống riêng của mình. Chúc mỗi người thành công!.

icon gio hang 0