Kiến Thức

KHAI SÁNG 24: TÁI SINH HAY NHÂN BẢN

Tái sinh luân hồi có hay không cũng thuộc phạm trù triết học. Để hiểu vấn đề này chúng ta cũng cần lý luận khoa học. Đầu tiên ta phải hỏi cái gì sẽ tái sinh?

Nếu là thân thể tái sinh thì không thể được bởi các liên kết sinh học đã vỡ tan từ thời điểm ta chết rồi

Nếu nói tinh thần hay linh hồn tái sinh thì cũng không có lý bởi tinh thần chết đó không tự có hệ thống thu, xử lý thông tin là những trạng thái tâm thức mà một cơ thể cần phải có nằm trong bộ não, đó là chưa kể việc linh hồn cũng có thể tan biến khi mất hết năng lượng của nó hay các liên kết năng lượng bị phá hủy.  

Còn nếu nói do tinh trùng gặp được trứng mà hình thành theo nghiệp duyên của cha mẹ thì cơ thể mới này được hình thành hoàn toàn do ý muốn chủ quan của cha mẹ nên phải gọi là nhân bản mới chứ không thể gọi là tái sinh. Đây là vấn đề khoa học vì chỉ cần một liên kết đầu tiên được xác lập là sẽ tạo thêm vô số kể các liên kết dây chuyền tiếp theo để tạo thành một cuộc sống hoàn toàn mới. Các trạng thái liên kết để có thể tạo nên sự sống đều được tạo hóa, hay còn gọi là Thượng đế, lập trình sẵn và chỉ chờ sự kích hoạt là tất cả sẽ hoạt động nhịp nhàng để tạo một cơ thể mới mà không cần một sự tác động nào của ai đó đã chết.  

Nhưng nếu ta vẫn muốn phát biểu việc sinh ra theo câu chuyện tái sinh thì có lẽ phải hiểu là con cái chính là tái sinh của cha mẹ, và như thế cũng đồng nghĩa chúng ta đã chủ động tái sinh khi mình còn đang sống, điều này khác xa với cách hiểu là chúng ta chỉ tái sinh khi đã chết. 

Tâm thức cùng với ADN sinh học được nhân bản mới thông qua việc copy các thông tin di truyền nên chúng mới tồn tại mãi từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Câu chuyện tái sinh của Phật giáo không hàm ý là ai đó đã chết đi sẽ được sống lại giống như Ấn giáo, bởi vì Phật giáo không công nhận một bản ngã linh hồn. Thực ra theo Phật giáo thì nghiệp lực lôi kéo từ Không sự tái sinh thành một người hoàn toàn mới mà mỗi người được sinh ra sẽ là nối tiếp của ai đó có trước. Chúng ta có thể hiểu thông qua câu chuyện về ngọn nến cháy: từ một mồi lửa đầu tiên mà ngọn nến cháy suốt đêm, ngọn lửa đầu tiên và sau đó cho đến ngọn cuối là những ngọn lửa khác nhau nhưng lại liên kết với nhau, cứ ngọn trước lại là mồi của ngọn sau và nối tiếp thành một dòng lửa cháy sáng suốt hết cây nến.   

Hiểu theo ý này thì “tái sinh” tức là “tạo mới”. Cha mẹ đầu tiên khởi tạo cho ra các con. Nối tiếp các con ấy lại cho ra các con khác. Cứ nối tiếp nhau mãi như thế thành cả một cây gia phả, tức cây nến dòng họ và nếu cứ tiếp tục truy cây gia phả này ngược về quá khứ hay tới tương lai thì ta có cả loài người. Cách hiểu này phù hợp với các quy luật liên kết vũ trụ, mọi liên kết dù nối kết với quá khứ cũng chỉ là để tạo nguồn liên kết mới ở tương lai chứ không phải để quay lại “y như chỗ cũ”, chúng ta không thể uống một ngụm nước hai lần trên một dòng sông, vì ngụm nước hôm qua khác với ngụm nước hôm nay, và con người hôm qua cũng không phải là con người hôm nay trên dòng sông sự sống. Đó là logic.  

Khi phát biểu động cơ liên kết để tạo thân xác là nghiệp lực thì nghiệp lực này chính là liên kết của các lực vũ trụ được xảy ra bên trong cơ thể chúng ta chứ không phải từ một linh hồn nào của người chết. Đó chính là sự nhân bản. 

Thường chúng ta cũng không cần quan tâm lắm việc mình từ đâu mà ra, tức là nhân bản hay tái sinh từ ai đó. Nhưng đối với khoa học cần một sự chính xác, đặc biệt  sinh học và tâm lý học, vì liên quan đến chính con người chúng ta. 

Một khi nói rằng ta lại một tái sinh của ai đó thì đã có hàm ý là ta có sẵn bản ngã và định mệnh từ người trước mang lại cho mình. Khi nghĩ rằng mình từng là một ai đó ta lại có khuynh hướng đi tìm kiếm họ, để hỏi họ về công việc hay số phận của mình 

Khi nói câu chuyện về tái sinh chúng ta đã giới hạn mọi liên kết, nhất là liên kết về tâm thức, chúng ta không hiểu linh hồn từ đâu ra nhiều thế để tái sinh khi dân số tăng không ngừng theo lịch sử? Chúng ta cứ bắt đầu đi tìm quá khứ của mình mà biết đâu những cái đó chỉ toàn dựa trên sự tưởng tượng? Chúng ta đi lo cho kiếp sau, sợ cho kiếp sau mà lại chưa bao giờ biết gì về nó thì làm sao biết sẽ phải làm gì? Có bao giờ chúng ta nghĩ rằng mình đang lo lắng cho cái không có thực? Vậy tại sao ta lại tự làm khổ mình?

Còn nếu ta là một nhân bản hoàn toàn mới thì ta có số phận cùng bản ngã là riêng của mình và như thế ta có thể tìm cách để làm chủ số phận của mình. Chúng ta sẽ bị thúc đẩy việc tìm hiểu về cách tạo ra mình như thế nào, nguồn gốc thật sự của mình và qua đó chúng ta sẽ biết cách kiểm soát nó.   

Nếu tin rằng chúng ta chỉ là một nhân bản và hoàn toàn có thể làm chủ bản thân, ta phải sống sao đó đừng để gây hậu quả xấu ngay bây giờ, cho mình và con cháu mình. Chúng ta tìm cách cứu vớt chính chúng ta trên cõi đang sống, tìm cách giải thoát cho chúng ta ngay trong cuộc đời thực tại thì có phải thực tế và tốt đẹp hơn không? Khi biết không có một sự tái sinh nào cả thì chúng ta cũng đừng chờ đợi và cầu mong một “kiếp sau” tốt đẹp hơn mà hãy cố gắng sống tốt nhất trong hiện tại. Tại sao ta không được sống giải thoát ngay lúc này mà lại phải chờ đợi hy vọng đến kiếp sau?

Mặt khác đối với Thiền tông Phật giáo thì tìm hiểu sự thật là đòi hỏi bắt buộc, mọi nhận thức phải chính xác như nó là, không bịa chuyện hay hiểu sai lạc, vì đó là Trí tuệ. Chúng ta cũng không bày đặt ra việc thần thánh hóa linh hồn để rồi sinh ra các vấn đề mê tín dị đoan. Chúng ta cũng đừng bác bỏ là không có linh hồn, bởi đó là giới hạn hiểu biết của mình. Còn vô số cái chúng ta chưa biết thì điều đó không có nghĩa là nó không có. Vì vậy hãy là một người sáng suốt.

icon gio hang 0