Kiến Thức

KHAI SÁNG 25: GIẢI THOÁT

Khi nhìn theo tổng quát thì thế giới chỉ là tổng thể duy nhất. Tuy nhiên tùy theo cách nhìn của bạn về thế giới mà sẽ xác định được vị trí của bạn trong thế giới đó. 

Nếu chia nhỏ thế giới thành các cảnh giới mà bạn tưởng tượng được thì tức là ta đã tự giới hạn tầm nhìn vào một việc cụ thể để thực hiện một chi tiết nào đó.

Nếu sau đó ta tập hợp tất cả các việc chi tiết lại thì sẽ là chủ nhân của cái thế giới hợp nhất đó. Thế giới là tổng thể của mọi liên kết dây chuyền, nên bất kỳ tác động nào vào bất kỳ vị trí nào của thế giới ấy đều có thể gây ra sự ảnh hưởng đến toàn bộ phần còn lại của thế giới. Vì bạn là một thành phần của thế giới nên có thể gây ảnh hưởng đến toàn bộ thế giới, tức bạn cũng là chủ nhân của thế giới.   

Lập luận này không phải là ảo tưởng. Nếu bạn bó hẹp mình vào chi tiết, ví dụ là công dân bình thường bạn sẽ tác động đuọc vào gia đình, người thân và công việc. Nếu bạn giao tiếp rộng hơn bạn sẽ tác động vào thế giới rộng lớn hơn, ví dụ bạn tạo ra được một học thuyết ý thức hệ hay một phát minh khoa học có thể tác động vào toàn bộ thế giới giống như tôn giáo đã làm và hệ thống internet mà các bạn đang sử dụng. Một người nhiễm vi rút cúm đầu tiên có thể làm cho cả thế giới nhiễm bệnh cũng là minh chứng cho việc liên kết tác động thế nào. Chẳng những thế chúng ta còn có thể tác động vào vũ trụ vô tận và thế giới siêu hình nữa nếu biết cách.   

Hiểu điều này sẽ mang lại lợi ích to lớn cho chúng ta. Để giải quyết một vấn đề phức tạp khó khăn, thay vì chúng ta tìm cách nghiên cứu mổ xẻ thành chi tiết xem chúng được cấu tạo ra sao thì ta hãy nghiên cứu chúng đang vận hành thế nào thông qua các mối liên kết của nó. Việc nghiên cứu theo chi tiết đôi khi rất khó khăn vì chúng ta không đủ phương tiện kỹ thuật cũng như trình độ hiểu biết, nhiều vấn đề lại vô hình như các dòng suy nghĩ của ta chẳng hạn, chúng vẫn đang vận hành đó nhưng làm sao bạn nắm cho được nó? Nếu chúng ta theo đuổi cách nghiên cứu về trạng thái liên kết thì ta có thể nắm được nguyên tắc hoạt động mà không cần phải hiểu rõ cấu trúc chi tiết của vấn đề. 

Việc hiểu vấn đề thông qua tìm hiểu các trạng thái tạo ra nó thì ta có thể tìm cách tác động vào trạng thái ấy để từ đó điều khiển chúng. Thế giới được xây dựng theo kiểu liên kết dây chuyền, mỗi cơ thể sống đều bắt đầu từ một tế bào, và để hình thành một con người thì phải trải qua vô số liên kết, tức là chúng ta đã bị ràng buộc vào những thứ đã tạo thành chúng ta, chính vì vậy việc tìm cách thoát ra khỏi các sự ràng buộc ấy gọi là giải thoát. Cuộc sống của chúng ta đã từng bị trói buộc quá lâu, vì thế đối với những người bình thường thì cũng cần có thời gian, cần có một kế hoạch để giải thoát vì chúng ta cần tạo điều kiện để thực hành giải thoát. Đó gọi là tiệm giáo. Chỉ có một số ít trưởng hợp có đủ căn cơ chúng ta mới có thể thực hành việc giải thoát nhanh chóng bằng Đốn ngộ. 

Đối với Thiền tông hiện đại, giải thoát cần rốt ráo, tức là chúng ta phải được giải thoát toàn diện cả Thân lẫn Tâm. Chúng ta không thể nói rằng mình đã được giải thoát mà lại đang sống trong cảnh thiếu thốn triền miên với một thân thể bệnh tật. Và chúng ta cũng không thể nói mình đang được sống giải thoát vì sự giàu có về danh vọng và tài sản trong khi luôn phải lo sợ căng thẳng tinh thần.  Đó là tự ám thị. Vì thế chúng ta phải lên kế hoạch để sống giải thoát.

Vì dù ta có muốn hay không thì sự đau khổ vẫn còn ở đó. Chúng ta phải bình tĩnh nhìn rõ chân tướng nguyên nhân gây ra sự đau khổ đó, sau đó thì có cái ta chấp nhận, có cái ta tìm cách thay đổi cho phù hợp nhất, đó mới là sống thiền. 

-Bắt đầu là sự nhận diện sự khổ. 
-Tiếp theo xem các mối quan hệ, tức các mối liên liên kết đã gây ra cái việc đau khổ đó, vì mọi kết quả phải đến từ nguyên nhân của nó. 
-Tiếp sau tìm cách tác động hợp lý để giải quyết tiến trình hình thành nỗi khổ. Cái tiến trình hình thành nỗi khổ này luôn đến một cách từ từ, từ khi cái khổ còn chưa bắt đầu, nhưng chúng ta có thể dự đoán nhìn thấy trước từ rất lâu, vì thế ta nên hành động để giải quyết ngay cái nỗi khổ tiềm tàng trong tương lai.   

-Khi hành động chúng ta dùng phép cân bằng để cân bằng chúng ta với cuộc sống. Chúng ta đừng bắt cuộc sống phải cân bằng với mình. Và như thế chúng ta sẽ hạnh phúc vì chúng ta có được mọi thứ chính đáng mà mình muốn. Mọi thứ phải đến với chúng ta một cách tự nhiên và chân chính. Ít hay nhiều gì cũng tốt miễn là ta cảm thấy thanh bình là được. Đó gọi là sống bình thường. 

Chúng ta phải xây dựng bao nhiêu năm mới có một thân thể hoàn chỉnh, nhưng chỉ cần một tai nạn là ta có thể mất tất cả trong vòng chớp mắt. Thế giới quả là vô thường như vậy cho nên chúng ta phải học thói quen sống chấp nhận mọi sự: nếu ta ít bám víu vào những gì sẽ mất thì khi bị mất sẽ ít đau khổ hơn. Nhưng thật ra ta vẫn đang sống trong thế giới ấy cho nên vẫn phải chịu sự ràng buộc, cho nên ta cần một cách để giải thoát ngay trong cuộc sống hiện tại thì có lẽ tốt hơn, khi đó ta cần biết hòa nhập mình vào vũ trụ, đó gọi là Đốn giáo. 

Đốn giáo gợi ý rằng bạn phải được đốn ngộ, tức bạn trực nhận thấy là khi bạn sống cân bằng với cuộc sống là bạn đã biết cách hòa mình vào vũ trụ, bạn đã sống hài hòa với bản ngã và vô ngã của mình. Khi là vũ trụ bạn sẽ bất tử vì chỉ duy nhất vũ trụ mới có thể bất tử: bạn đang hành Đạo giải thoát!

Khi bạn đã có mọi thứ để sẵn sàng buông bỏ mọi thứ. Và khi bạn nhận thấy rằng mình có thể làm bất cứ thứ gì mình thích mà không bị ràng buộc vào nó bởi bất kỳ lý do gì thì bạn là người giải thoát. Xin chúc mừng bạn! 

Đó chính là Phật pháp!.    

icon gio hang 0